Nhiều hoạt động du lịch trong nước thu hút khách nội địa tham gia, góp phần kích cầu du lịch. Ảnh : VGP/Thiện Tâm
Kích cầu du lịch – không chỉ đơn thuần là giảm giá
Theo TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe), chính sách kích cầu du lịch là cơ hội vàng để du khách khám phá các điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam, cơ hội để giới thiệu nhiều điểm du lịch còn chưa được biết đến. Nhưng việc kích cầu không đơn thuần là giảm giá mà doanh nghiệp phải cam kết tăng chất lượng dịch vụ, làm mới chính những sản phẩm đang có và bảo đảm tiêu chí an toàn sức khỏe.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phải có các cơ chế hợp tác, thống nhất mức giảm giá, thời gian giảm giá chung, công khai, minh bạch, không gây nhiễu loạn thị trường. Ngoài ra, bên cạnh các chính sách về thuế, thị thực nhập cảnh, giá điện… cần chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện cho người dân đi du lịch (như kéo dài một số kỳ nghỉ lễ, miễn giảm các khoản thu phí tham quan, tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch).
Cùng quan điểm trên, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, giảm giá kích cầu du lịch trong thời điểm hiện nay không phải là ưu tiên nhất. Do đó ngành du lịch cần chú trọng nâng cao chất lượng các điểm đến và dịch vụ tốt nhất. Bên cạnh việc vận hành, cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu về du lịch, mỗi địa phương cần tiếp tục phát triển các ứng dụng công nghệ phục vụ cho du lịch như: hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, mạng wifi miễn phí; hạ tầng du lịch, thương mại; thông tin hướng dẫn du khách; các cơ sở dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Tiếp tục chú trọng tạo ra các sản phẩm du lịch mới.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội đã có thông báo cho các đơn vị, các doanh nghiệp để đăng ký các chương trình và chủ yếu hiện nay tập trung vào du lịch an toàn, du lịch trải nghiệm, du lịch điểm đến, không đặt nặng vấn đề kích cầu quá sâu về giá.
Theo lộ trình, sẽ bắt đầu tập trung vào đối tượng khách hàng địa phương trước, cho người Đà Nẵng đi các điểm trong thành phố, tham gia các trải nghiệm. Sau đó, mới đến thị trường khách trong nước và khách nước ngoài. Với kịch bản lạc quan nhất, từ tháng 10/2020 du lịch Đà Nẵng sẽ đón khách từ các địa phương khác trong cả nước và từ tháng 12/2020 hy vọng sẽ bắt đầu đón được khách nước ngoài. Mặc dù đã qua mùa cao điểm khách nội địa nhưng việc mở lại các đường bay là rất có ý nghĩa cho quá trình phục hồi thị trường khách du lịch.
Ông Cao Trí Dũng cũng cho rằng, thời điểm này ngành du lịch chấp nhận lỗ để tái khởi động, tạo đà phát triển vào các năm tiếp theo. Do đó trước mắt sẽ hướng đến bảo trì, bảo dưỡng cơ sở du lịch; giữ nhân viên, đào tạo nhân viên; giữ thương hiệu, nguồn khách và bù được một phần lỗ. “Chứ chưa ai dám đặt ra mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận ngay bây giờ cả”, ông Dũng nói.
Đà Nẵng chào đón đoàn du khách đầu tiên sau dịch bệnh Covid-19. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tạo thêm nhiều sản phẩm mới để kích cầu du lịch
Các lãnh đạo ngành du lịch, địa phương đều xác định dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, du lịch Việt Nam nên tập trung vào khách nội địa. Để thu hút khách, các địa phương phải liên kết, hình thành liên minh kích cầu với những sản phẩm mới, chất lượng.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS. Phạm Hồng Long – Trưởng Khoa Du lịch học (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, song song với việc thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, chúng ta cũng cần chú trọng tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ. Ngoài ra công tác đào tạo để có nguồn nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Việt Nam sau khi hoạt động du lịch quốc tế trở lại bình thường. Việc xúc tiến quảng và xây dựng thương hiệu điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện cũng cần được quan tâm trong bối cảnh ở nhiều quốc gia đại dịch vẫn đang hoành hành dữ dội
Xa hơn một chút, chúng ta cần chú trọng việc đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống, mua sắm và trải nghiệm, để kích thích nhu cầu tiêu dùng của du khách, trong đó, đặc biệt phát triển kinh tế đêm để tăng trải nghiệm cho du khách.
Ngành du lịch nên có tư duy mở để tiếp và hỏi những cách làm hay của các nước bạn. Như ở Thái Lan, nhân dịp vắng khách này họ đang phát động một chiến dịch rất lớn cho cả ngành là vệ sinh môi trường cho các điểm đến. Đó cũng là một bài học mà chúng ta cần phải suy ngẫm. Chúng ta đang bàn về câu chuyện phát triển du lịch bền vững, mà một trong những hệ lụy rất tiêu cực mà du lịch gây ra là sự xuống cấp của môi trường. Nhân dịp Covid-19 này, có lẽ cũng nên triển khai các chiến dịch bảo vệ môi trường- du lịch xanh.
Từ khi Covid-19 xảy ra, cũng có một sự dịch chuyển xu hướng ít nhiều về du lịch: các nhóm bạn bè, gia đình nhỏ thường thích đến các khu hẻo lánh; các loại hình du lịch liên quan đến sức khỏe cũng được quan tâm hơn, như thiền, yoga, tắm khoáng… Thay vì đi các tour sang trọng, dài ngày, khách du lịch đang hướng tới sử dụng tour ngắn ngày, siêu tiết kiệm, siêu khuyến mại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu cao hơn khi mua tour du lịch online thay cho offline trước đây.
Bên cạnh các dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao như du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội; du lịch đô thị; du lịch đêm; du lịch ẩm thực…
Các dòng sản phẩm du lịch sau đây cần được chú trọng phát triển nhiều hơn sau thời kỳ Covid-19 dựa trên đặc điểm thị hiếu của khách du lịch đó là sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc, sức khỏe, chữa bệnh, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thể thao, du lịch thông minh.
Về dòng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, từ sau khi đại dịch Covid-19 ở Việt Nam được khống chế, dòng sản phẩm này càng ngày càng được quan tâm. Do vậy, cần tập trung tiếp tục ưu tiên cho phát triển sản phẩm này gắn với các dịch vụ tắm khoáng, tắm thuốc, thiền dưỡng sinh, chữa bệnh, …
Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng sinh học, Việt Nam có lợi thế phát triển dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh nhấn mạnh tới yếu tố “nhỏ là đẹp” – đảm bảo sự khai thác với quy mô nhỏ, tránh được những tác động về môi trường và xã hội.
Cùng với đó là dòng sản phẩm du lịch cộng đồng cũng cần được khai thác dựa trên giá trị văn hóa bản địa các vùng miền. Đây cũng là dòng sản phẩm hướng tới tăng cường các trải nghiệm của các nhóm du khách với quy mô nhỏ; tránh những nơi tập trung đông đúc và ồn ào.
Dòng sản phẩm liên quan tới hoạt động thể thao của du khách nhằm giải trí và rèn luyện thể lực. Các sản phẩm có thể là hoạt dộng đi bộ mạo hiểm, leo vách đá, đạp xe địa hình…hay dòng sản phẩm du lịch thông minh, du lịch sáng tạo thông qua tăng cường các trải nghiệm đa dạng bằng việc sử dụng các công nghệ số, thực tế ảo…cũng nên được coi là sản phẩm du lịch phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh các dòng sản phẩm du lịch thì các chương trình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng tại các khu cách ly, du lịch thực tế ảo…cũng cần được chú trọng phát triển dựa trên nhu cầu thực tế của du khách.
Để ngành du lịch có khả năng thích ứng tốt và chống chịu được những rủi ro bất thường, bất khả kháng như đại dịch Covid-19, cần có sự đồng lòng đồng hành vượt khó khăn của các cấp các ngành cũng như sự chủ động của ngành du lịch trong việc đưa ra những giải pháp phát triển du lịch, trong đó việc định hướng và xây dựng các sản phẩm du lịch đóng một vai trò quan trọng đối với sự hấp dẫn khách du lịch.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), du lịch là ngành tiên phong trong hoạt động khôi phục kinh tế của nước nhà. Nhưng để thực hiện tốt các chương trình kích cầu, cần có sự đồng lòng, xây dựng sức mạnh của tập thể với một tâm thế chuẩn bị đón đầu làn sóng du lịch mới.
Để khai thác hiệu quả những lợi thế và nguồn lực phát triển du lịch vùng, ông Vũ Thế Bình cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã hình thành và phát triển thêm sản phẩm mới, tour tuyến mới đáp ứng đa dạng nhu cầu và thị hiếu của các phân khúc khách du lịch. Riêng ngành du lịch Hà Nội cần đẩy mạnh hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố qua đó mở rộng số lượng doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Đông-Tây Bắc tham gia các chương trình kích cầu; tăng cường liên kết với các tỉnh miền Trung, Nam bộ để có những tour kích cầu nội địa hấp dẫn với chất lượng và giá cả hợp lý.
Thắt chặt liên kết – Đẩy mạnh xúc tiến du lịch
Theo Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên, trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch rất cần liên kết bởi mỗi địa phương không thể đơn thương độc mã phát triển. Vì không thể đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực độc lập, cũng như không đủ tiềm lực để tạo ra những hiệu ứng hay chiến dịch quảng bá trong và ngoài nước. Chẳng hạn, lợi thế liên kết giữa TP. Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và các tỉnh Tây Bắc chính là có sự khác biệt, bổ trợ cho nhau. Sản phẩm du lịch chủ lực của TP. Hà Nội là du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí… Trong khi thế mạnh của các địa phương trong vùng là du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, sinh thái, ẩm thực và du lịch biển.
Ông Kiên cho rằng, hoạt động quảng bá xúc tiến nếu làm đơn lẻ thì khó có thể quảng bá rộng rãi tới khách du lịch, nếu liên kết sẽ tạo ra hiệu quả cao hơn. Cho nên liên kết là một yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu, là trải nghiệm mà các vùng miền đúc kết từ thực tiễn nhiều năm trước.
Một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh và mật độ dân cư cao, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM. Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay thì việc tiếp cận thông tin du lịch thông qua kênh này ngày càng phổ biến vì vậy du lịch cần xây dựng và triển khai cổng thông tin chung của du lịch toàn vùng, thông qua website, ứng dụng di động, cập nhật thông tin, xúc tiến du lịch đến với du khách trong và ngoài nước. “Trung tâm xúc tiến du lịch của các tỉnh, thành phố phải tăng cường mối liên kết, hợp tác trong việc phối hợp với hiệp hội, doanh nghiệp, công ty lữ hành cung cấp hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc, thông tin điểm đến cho du khách”, ông Kiên gợi ý.
Việc đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước không chỉ giúp phát huy lợi thế của mỗi địa phương, mà còn cùng nhau mở rộng thị trường khách nội địa. Đây là hướng đi đúng đắn để du lịch đủ sức bật dậy sau khoảng lặng do Covid-19 và phát triển bền vững hơn.
Nhìn chung, để ngành “công nghiệp không khói” thật sự hồi phục sau dịch Covid-19, các cơ quan quản lý du lịch, các địa phương nên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như tập trung đào tạo nguồn nhân lực, liên kết, tổ chức xúc tiến du lịch để tạo thành những vùng du lịch an toàn, hấp dẫn cho du khách.
Là một trong những đơn vị tiêu biểu triển khai tích cực và đạt được hiệu quả trong kích cầu du lịch lần thứ nhất, bà An Thu Trà, Trưởng ban Tuyên truyền Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, trong lần kích cầu du lịch đầu tiên, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đưa ra các gói rất đa dạng như: miễn phí khách thăm quan vào buổi trưa; tổ chức các chủ đề hoạt động theo mùa, gói khám phá Tết Trung thu cổ truyền. Tăng cường các hoạt động vừa thăm quan vừa khám phá trải nghiệm; vừa tương tác vừa gặp gỡ, giao lưu với các chủ thể văn hóa, để từ đó có thể chia sẻ các câu chuyện thú vị từ chủ thể văn hóa thông qua cách làm đồ chơi dân gian.
Đến thời điểm hiện nay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận được gần 1.000 du khách đăng ký tham gia các gói kích cầu khác nhau. Việc thiết kế các gói kích cầu đã đáp ứng được nhu cầu và có được sự hưởng ứng của khách thăm quan. Đơn cử chỉ trong 2 ngày dịp Tết Trung thu Bảo tàng đã có hơn 3.500 khách tham gia.
Theo bà An Thu Trà, trong quá trình triển khai các gói kích cầu chúng ta có làm tốt hơn nếu có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa mang tính chất liên ngành. Vì một mình ngành du lịch không thể làm được nếu không có các đối tác liên quan cùng tham gia. Qua lần kích cầu du lịch thứ nhất có thể thấy để xúc tiến du lịch thành công bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp trên thế giới, với mục tiêu hướng đến khách nội địa cần có sự liên kết các điểm thăm quan trong đó có các bảo tàng, các di tích, trung tâm văn hóa và phải phát huy những thế mạnh của những điểm đến này. Tiếp đến là sự hỗ trợ từ ngành du lịch, các cơ quan truyền thông báo chí; tăng cường quảng bá các điểm đến trong nước cho du khách nội địa
Ngoài ra, để xúc tiến du lịch đạt được như kỳ vọng, cần có những kênh quảng bá về các địa phương có tiềm năng du lịch, các điểm đến… Để từ đó du khách đi đến bất cứ đâu, tham gia bất kỳ hoạt động gì cũng có thể nhìn thấy các điểm quảng bá và xúc tiến du lịch. Từ dễ dàng tiếp cận sẽ dễ dàng đến với du lịch nhiều hơn. Vì vậy việc kết nối là hết sức quan trọng để làm tốt hơn nữa việc xúc tiến du lịch mà hướng trực tiếp đến khách nội địa – nguồn khách tiềm năng trong “bối cảnh Covid-19” hiện nay.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm, trong lần kích cầu du lịch này các địa phương, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy sự gắn kết, hợp tác để tạo ra những liên minh kích cầu hiệu quả, chất lượng. Đến nay, sau 3 tuần triển khai kích cầu du lịch nội địa, với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, nhiều địa phương, doanh nghiệp trên cả nước đã đồng loạt tích cực hưởng ứng, mang lại không khí sôi động và những kết quả bước đầu khả quan.
Theo ông Nguyễn Lê Phúc, việc tái khởi động kích cầu du lịch nội địa là một giải pháp thiết thực nhằm phục hồi ngành du lịch trong những tháng cuối năm 2020. Bên cạnh đối tượng khách hàng là người Việt Nam như giai đoạn trước, điểm mới của chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 sẽ chú trọng tới đối tượng khách là người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Đây có thể là những đại sứ du lịch an toàn, hấp dẫn của Việt Nam đối với thị trường khách quốc tế.
Thiện Tâm – Lưu Hương- Diệu Anh