Người dân đang tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế từ du lịch
Gia đình ông Nguyễn Minh Đua (ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) làm du lịch cộng đồng từ năm 2019, dùng thế mạnh bản địa để hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề truyền thống của người dân địa phương: câu, đặt lọp cua; đổ lú; soi ba khía, bắt ốc len… Vừa qua, gia đình ông mua một chiếc ghe về sửa sang, chuẩn bị làm phương tiện đưa các nhóm du khách đi quanh vuông tôm trải dài tán rừng đước, rừng mắm 9ha của gia đình. Trên chiếc ghe tam bản cỡ lớn sẽ phục vụ những những món ăn đặc sản như: cua, cá thòi lòi, tôm khô và sẽ có đờn ca tài tử. “Du khách về địa phương ngày càng nhiều vì họ thích cảnh quan, không khí và các sản phẩm trải nghiệm, cũng nhờ đó các hộ làm du lịch cộng đồng có nguồn thu nhập. Làm du lịch bây giờ thu nhập gấp 10 lần làm vuông. Nói chung người làm vuông thu khoảng 5-6 triệu đồng mỗi tháng thì làm du lịch như gia đình tôi có thể thu khoảng 50-60 triệu đồng” – ông Nguyễn Minh Đua chia sẻ.
Anh Nguyễn Trung Kiên vừa học xong đại học ngành Quản trị Du lịch ở TP Hồ Chí Minh. Từ khi còn trên ghế nhà trường, anh Kiên đã dùng kiến thức học được hỗ trợ cha làm du lịch cộng đồng tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Hiện điểm Du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn đang có sản phẩm du lịch thú vị là cho khách tự trồng rừng và theo dõi được chính cây đước, cây mắm tận tay họ trồng ở vùng đất tận cùng Tổ quốc. Diện tích trồng cây là không gian trống trong vuông tôm của những hộ dân nhận giao khoán đất rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi cùng liên kết làm du lịch. Trên các cây khách tự trồng sẽ có bảng tên của từng người. Định kỳ hay khi du khách yêu cầu sẽ được cung cấp những hình ảnh để theo dõi cây phát triển. Anh Trung Kiên cho biết: “Khi về địa phương sinh hoạt Đoàn, Kiên chia sẻ ý tưởng liên kết phát triển du lịch cộng đồng, cùng phục vụ du khách, cùng hưởng lợi. Đã có những bạn nhận ra thế mạnh và cùng thành lập 1 câu lạc bộ với 15 đoàn viên tham gia. Chính những bạn này đưa du khách đi trải nghiệm, trồng cây tại gia đình. Du khách tham gia trồng cây sẽ càng thích thú và tìm về lần nữa”.
Huyện Ngọc Hiển đang có 9 hộ làm du lịch cộng đồng. Năm 2024 có thêm 18 hộ đăng ký phát triển. Bên cạnh các sản phẩm trải nghiệm, cơ quan chức năng địa phương định hướng phát triển thêm các sản phẩm du lịch có yếu tố lịch sử, như: tôn tạo, đầu tư Khu đền thờ Bác Hồ thành điểm đến; tái hiện đời sống các cô chú ngày trước hoạt động cách mạng tại địa phương để du khách thấy được “cất nước từng lon, đói ăn trái mắm”. Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Địa phương đã và đang có những chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, để ngày càng có nhiều sản phẩm phục vụ cũng như giữ chân du khách. Chúng tôi tiếp tục tổ chức các hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng đi tập huấn về kỹ năng, cách tổ chức thực hiện. Phổ cập cấp tốc ngoại ngữ cơ bản cho bà con để có thể giao tiếp cơ bản với khách nước ngoài”.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có những khó khăn cần được tháo gỡ, bởi đa số diện tích đất của người dân hay Nhà nước quản lý đều là đất rừng. Ông Đỗ Văn Đồng, Phó Giám đốc Ban Quản lý vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, đơn vị chủ quản của Khu du lịch Mũi Cà Mau cho biết, du lịch Mũi Cà Mau thời gian qua phát triển, tuy nhiên chưa xứng tầm, chưa phong phú về dịch vụ, ngay cả dịch vụ cơ bản như nghỉ dưỡng. Khó khăn cơ bản là vướng cơ chế đất rừng, khó thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng hiện chưa đáp ứng.
Từ năm 2013, những mô hình làm du lịch cộng đồng đầu tiên phát triển ở huyện Ngọc Hiển. Đến năm 2016, khi tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền tới điểm mốc cực Nam tổ quốc GPS-0001, du khách về ngày càng đông, du lịch theo đà phát triển mạnh. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn cơ bản cần tháo gỡ để “vùng Đất Mũi” nói chung, du lịch nói riêng phát triển.
Bài, ảnh: Hiếu Nghĩa
Báo Cần Thơ – baocantho.com.vn