Cà Mau có 140 sản phẩm OCOP, trong đó có 32 sản phẩm được hội đồng đánh giá, phân hạng chất lượng 4 sao
Theo quy định, sau 3 năm công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, ngành chức năng sẽ đánh giá lại các tiêu chí, nếu sản phẩm nào không đảm bảo sẽ bị rớt xuống hạng sao thấp hơn hoặc thu hồi giấy chứng nhận đạt sao. Trên cơ sở đó, trong tháng 9/2023 vừa qua, tỉnh Cà Mau đã xem xét và ban hành quyết định thu hồi chứng nhận sản phẩm OCOP đối với 09 sản phẩm, của 03 chủ thể. Lý do dẫn đến việc thu hồi chứng nhận sản phẩm OCOP là do chủ thể đã dừng sản xuất và chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác; không có khả năng khôi phục sản xuất và đang thực hiện các thủ tục giải thể hợp tác xã. Qua đó, có thể thấy chương trình mỗi xã một sản phẩm tuy mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân khu vực nông thôn nhưng việc các sản phẩm OCOP bị thu hồi chứng nhận cũng cho thấy để OCOP phát triển bền vững là không dễ dàng và đòi hỏi phải có sự nỗ lực, cố gắng của các chủ thể, chính quyền địa phương, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần linh hoạt, có giải pháp cụ thể và chiến lược phát triển sản phẩm OCOP lâu dài.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi Huỳnh Nhật Trường, cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có hơn 40 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Để các sản phẩm duy trì và phát triển, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng chủ thể. Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch nhằm định hướng phát triển OCOP bền vững. Trong đó, tăng cường vai trò và sự giám sát của chính quyền địa phương trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP, có chính sách hỗ trợ. Nhìn chung, các chủ thể OCOP đều đã thay đổi tư duy, sản xuất kết hợp giữa thủ công truyền thống với đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại. Qua đó, góp phần gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ để các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm
Cùng với sự đồng hành hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các chủ thể OCOP cũng đã từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc nỗ lực duy trì, phát triển sản phẩm. Trong đó, chất lượng là yếu tố quan trọng được các chủ thể đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, là tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm cũng như đầu tư trang thiết bị, cải tiến bao bì,…và để sản phẩm tiến xa hơn trên thị trường phải cải thiện các tiêu chí, lĩnh vực còn hạn chế, hướng đến nâng sao OCOP cho sản phẩm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Trúc Thương, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi Trần Xuân Oanh, cho biết: “Hợp tác xã của tôi hiện có 04 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao gồm: Tôm khô, tôm khô chà bông, tôm thẻ ép và mắm tôm. Trước đây, khi chưa tham gia OCOP, sản phẩm chưa được nhiều người biết đến nên sản lượng bán ra không nhiều. Sau khi được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn, sản phẩm của hợp tác xã đã đạt chuẩn OCOP. Từ đó, sản lượng mỗi tháng bán ra ngày càng tăng với trên 400kg các loại và tạo động lực để tôi duy trì, phát triển sản phẩm. Tôi nhận thấy, để khẳng định được thương hiệu và uy tín trên thị trường thì chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên trên hết, bởi khi tạo ra sản phẩm ngon thì người tiêu dùng mới ưu tiên chọn mua. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi còn quan tâm thiết kế mẫu mã bao bì và đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trưng bày tại các hội chợ,…Từ đó, chúng tôi mong muốn các sản phẩm của hợp tác xã sẽ ngày càng phát triển và đứng vững trên thị trường”.
Hợp tác xã Trúc Thương quan tâm cải tiến mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững thương hiệu và được nhiều khách hàng tin dùng
Việc giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được xem là mục tiêu cấp thiết được tỉnh đặt ra. Qua đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hỗ trợ chủ thể trong việc xúc tiến thương mại, kinh phí thực hiện và hoàn thành hồ sơ, thủ tục xét công nhận OCOP. Tính đến nay, tỉnh Cà Mau có 140 sản phẩm OCOP, trong đó, có 32 sản phẩm OCOP 4 sao, còn lại đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: “Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã luôn đồng hành cùng các chủ thể phát triển các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Cùng với việc phát triển các sản phẩm mới, tỉnh hết sức chú trọng việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận cũng như nâng hạng cho sản phẩm có triển vọng. Với quyết tâm đó, tỉnh đã mạnh dạn loại bỏ các sản phẩm đã được chứng nhận nhưng không còn đủ điều kiện. Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương phải cùng các chủ thể trao đổi và xây dựng kế hoạch phát triển cho từng sản phẩm, xác định những chỉ tiêu còn có thể nâng điểm, nâng hạng và thực hiện các biện pháp, hướng dẫn cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị các sở, ngành, đơn vị có liên quan nhận nhiệm vụ trực tiếp hỗ trợ cho từng chủ thể cải thiện từng tiêu chí, đảm bảo nâng hạng các sản phẩm. Chúng tôi quyết tâm nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đạt hiệu quả trong thời gian tới”.