Bình Liêu (Quảng Ninh): Tạo đột phá trong phát triển dịch vụ, du lịch

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Liêu lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, du lịch Bình Liêu từng bước phục hồi và khởi sắc. Kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua đã tạo tiền đề để Bình Liêu hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của Quảng Ninh.

Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 là giai đoạn đầy những thách thức với du lịch Quảng Ninh, cũng như điểm đến mới như huyện miền núi biên giới Bình Liêu. Trong thời gian 2020-2021, du lịch Bình Liêu gần như tê liệt. Sau ngày 15/3/2022 khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn, hoạt động du lịch của Bình Liêu mới có dấu hiệu phục hồi.


Các đại biểu thực hiện nghi lễ khai hội Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2023. Ảnh: La Lành

Giai đoạn trong và ngay sau dịch (2020-2022), lượng khách du lịch đến Bình Liêu giảm, ước đạt 197.500 lượt (trong đó khách lưu trú là 73.990 lượt), doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 96 tỷ đồng. Song từ quý I/2023, lượng khách có sự tăng trưởng đáng kể, ước đạt 14.780 lượt, bằng 519% so cùng kỳ (khách lưu trú 4.200 lượt, bằng 339% so cùng kỳ); doanh thu từ du lịch ước đạt 7,6 tỷ đồng, bằng 497% so cùng kỳ. Kết quả này phản ánh nỗ lực lớn của Bình Liêu trong bám sát các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh nhằm phục hồi, phát triển du lịch trong tình hình mới.

Cụ thể hóa các mục tiêu phát triển du lịch, Bình Liêu đã hoàn thiện xây dựng Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH huyện Bình Liêu đến năm 2030 và được UBND tỉnh thông qua; ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 31/3/2023 về phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhằm tạo sức bật cho du lịch, Bình Liêu tập trung thu hút vốn ngoài ngân sách để hoàn thiện hạ tầng nông thôn, du lịch. Từ năm 2020, huyện đã hoàn thành hệ thống các công trình giao thông kết nối tới tất cả các thôn, bản, với tổng chiều dài hơn 250km, cải tạo, nâng cấp tuyến đường liên xã Húc Động – Đồng Văn – Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C có tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng.

Hệ thống cơ sở lưu trú cũng dần được phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Toàn huyện hiện có 30 cơ sở lưu trú (3 khách sạn, 18 nhà nghỉ, 9 homestay), công suất phục vụ khoảng 1.200 người. Cùng với đó, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư gắn với thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong du lịch.

Xác định phát triển du lịch dựa trên thế mạnh thiên nhiên, văn hóa, Bình Liêu duy trì và làm mới các lễ hội, ngày hội văn hóa – thể thao, tuần văn hóa – du lịch; hội soóng cọ, hội kiêng gió, hội hoa sở, hội mùa vàng…


Du khách chụp ảnh cùng phụ nữ Dao Thanh Phán tại Bình Liêu.

Du lịch Bình Liêu đang cho thấy sự khởi sắc rõ nét, ngày càng nâng cao về chất, phát triển đi vào chiều sâu, đóng góp đáng kể nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Cơ cấu lao động cũng chuyển dịch tích cực, tăng thu nhập bình quân đầu người và tạo việc làm tại chỗ cho người dân…

Song để tạo đột phá trong phát triển du lịch, Bình Liêu xác định cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; tận dụng cơ hội khi cặp cửa khẩu Hoành Mô – Động Trung được công bố là cặp cửa khẩu song phương, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với mở rộng liên kết vùng; tăng cường quản lý, khai thác, thu hút đầu tư, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch thế mạnh; phát triển hạ tầng thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, khu dịch vụ phục vụ nhân dân và du khách.

Đào Linh
Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh – quangninh.gov.vn