Sản phẩm từ mây tre lá của Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc được khách hàng ưa chuộng
Tiềm năng khai thác du lịch
TP.Tân Uyên hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động gắn với nghề truyền thống địa phương. Trong đó, nghề gốm sứ và mây tre lá là 2 nghề truyền thống có nhiều tiềm năng khai thác phát triển du lịch. Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc ở khu phố Khánh Hội, phường Tân Phước Khánh là nơi trực tiếp sản xuất, cung cấp các sản phẩm mây tre lá cho thị trường. Nhiều năm qua, bên cạnh giữ gìn và đưa nghề truyền thống này của địa phương ngày một phát triển hơn, Công ty THHH Mây tre lá Thành Lộc còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Bà Huỳnh Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc, cho biết đến nay công ty đã hình thành khoảng 20 năm, là nghề truyền thống của gia đình. Công ty luôn mở cửa và đã đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan thực tế quy trình sản xuất, sản phẩm tại điểm sản xuất và giới thiệu sản phẩm của công ty. Trong đó, nhiều trường học từ mầm non đến THPT cũng đã đến tham quan, tìm hiểu về nghề truyền thống này. Các trường kiến trúc, sân khấu nghệ thuật cũng thường tổ chức đoàn đến tham quan, trải nghiệm làm sản phẩm tại xưởng.
Gốm sứ cũng là nghề truyền thống lâu đời trên đất Tân Uyên. Bên cạnh những doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo phương pháp hiện đại, trên địa bàn TP.Tân Uyên hiện nay vẫn có một số doanh nghiệp duy trì phương pháp sản xuất truyền thống. Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP.Tân Uyên, cho biết trên địa bàn thành phố có nghề gốm Tân Phước Khánh với những sản phẩm gốm dùng trong sinh hoạt và gốm sứ mỹ nghệ với nét đặc trưng là được làm thủ công. Những sản phẩm này chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần của gốm sứ truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch (tham quan trải nghiệm quy trình sản xuất). “Sản phẩm được sản xuất từ gốm chứa đựng những dấu ấn truyền thống và sự tinh xảo của những người thợ lành nghề, mang những giá trị văn hóa của nghề gốm truyền thống Tân Uyên và mang đặc trưng để hình thành sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách. Bảo tồn các giá trị nghề gốm truyền thống gắn với phát triển du lịch cũng nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống địa phương”, ông Nguyễn Tấn Phát cho biết.
Đề ra nhiều giải pháp
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo ông Nguyễn Tấn Phát, hiện tại việc tham quan, trải nghiệm các ngành nghề truyền thống trên địa bàn vẫn còn manh mún, chưa thật sự trở thành sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh để đưa vào khai thác phục vụ du khách. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất gốm, mây tre lá chủ yếu có quy mô nhỏ, hạn chế trong việc tiếp đón các đoàn khách tham quan có số lượng lớn. Địa phương cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ mai một nghề gốm thủ công truyền thống… Đó chính là những hạn chế làm ảnh hưởng đến công tác phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống trong thời gian qua.
Vì thế, để thúc đẩy du lịch phát triển, đặc biệt là du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề truyền thống, TP.Tân Uyên đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, việc tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các ngành nghề truyền thống có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thành phố sẽ tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển du lịch TP.Tân Uyên trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm du lịch từ ngành nghề thủ công truyền thống.
Bên cạnh đó, TP.Tân Uyên sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch trong thời gian tới, nhất là về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ngành nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ngành nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương.
“Ngoài ra, TP.Tân Uyên sẽ tổ chức liên kết, kết nối các cơ sở sản xuất sản phẩm ngành nghề truyền thống với các đơn vị lữ hành, công ty du lịch nhằm thu hút khách du lịch. Đồng thời, thành phố tăng cường khảo sát các hộ dân có điều kiện, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn để tổ chức các tour tham quan trải nghiệm, sản xuất các sản phẩm ngành nghề truyền thống, kết hợp du lịch sinh thái và tham quan các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn”, ông Nguyễn Tấn Phát cho hay.
“TP.Tân Uyên đã đặt ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất nghề truyền thống mở rộng quy mô gắn với phát triển mô hình du lịch trải nghiệm để du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu, giao lưu văn hóa; xây dựng các tour, tuyến du lịch kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương”. |
Hồng Thuận
Báo Bình Dương điện tử – baobinhduong.vn