Nâng cao giá trị sản phẩm
Để trợ lực HTX Nông nghiệp hữu cơ Lộc Tín (thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc, thành lập năm 2021), Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) hỗ trợ đơn vị 195 triệu đồng trang bị hệ thống máy sản xuất bột diếp cá hữu cơ. Sau khi hoàn thiện sản phẩm và đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2023, HTX được huyện hỗ trợ mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ngay tại thôn Quảng Tín. Điểm bán hàng này không chỉ bán các sản phẩm OCOP 3 sao của HTX (là nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, rượu đông trùng hạ thảo, bột diếp cá sấy lạnh và bột diếp cá đông trùng hạ thảo) mà còn bán 46 sản phẩm OCOP của huyện Tuy Phước.
Sản phẩm gạo quê Phước Hưng được trưng bày tại các phiên chợ, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Hải Yến
Huyện Tuy Phước còn có HTX Nông nghiệp Phước Hiệp, HTX Nông nghiệp Phước Hưng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch như rau, gạo quê… Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp, cho biết: Hiện nay, HTX đã có trên 13,5 ha đất sản xuất rau an toàn VietGAP trồng chủ yếu 27 loại rau. Trung bình HTX cung cấp 4 – 6 tạ rau/ngày cho các siêu thị, như: Co.opmar Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn, Go!, MM Mega Market Quy Nhơn cùng một số quầy rau an toàn trong tỉnh. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng NN&PTNT huyện đã cấp mã số vùng trồng rau an toàn hợp chuẩn VietGAP cho HTX, làm tăng giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu rau Phước Hiệp trên thị trường trong tỉnh.
Tăng cường kết nối cung cầu
Từ đầu năm 2024, UBND huyện Tuy Phước đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng hướng dẫn các chủ thể tham gia chương trình OCOP tiếp cận cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước.
Ông Dương Minh Tân, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, cho biết: Trong năm 2024, huyện hỗ trợ khen thưởng 14 chủ thể (8 triệu đồng/chủ thể) và 6 sản phẩm được hỗ trợ tem truy xuất, in tem nhãn sản phẩm; chứng nhận VietGAP và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Huyện tổ chức Phiên chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu địa phương vào tháng 4.2024 để các chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm.
Ngoài ra, UBND huyện Tuy Phước đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ các chủ thể nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại. Hiện nay, có 30% sản phẩm OCOP được huyện hỗ trợ nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm (tem nhãn, giải pháp truy xuất nguồn gốc, bao bì, quản lý nhãn hiệu, website, kiểm nghiệm, quy trình quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại…). Trong đó, chuỗi sản phẩm của HTX Nông nghiệp Phước Hiệp, HTX Nông nghiệp Phước Hưng đã được phân phối, cung cấp cho chuỗi siêu thị lớn và uy tín. Riêng sản phẩm gạo quê Phước Hưng khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý.
Từ đầu năm đến nay, với sự vào cuộc của các sở, ngành cùng đơn vị ở địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ của các DN, các chuỗi và các hệ thống thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh, đã góp phần lan tỏa giá trị sản phẩm OCOP của huyện. Điểm ấn tượng nhất là 46 sản phẩm OCOP của huyện có chất lượng nâng cao và cải thiện rất nhiều. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, hình thành nhiều sản phẩm mới, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhiều đối tượng khách hàng. Mẫu mã cũng như bao bì đã được cải thiện rõ rệt, hiện đại, ấn tượng.
Hải Yến
Báo Bình Định – baobinhdinh.vn