Với mục đích lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng mỗi địa phương (OCOP) để tập trung hỗ trợ phát triển thành hàng hóa, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu cũng như tạo ra sản phẩm OCOP mang tính đặc thù để phát triển du lịch, tỉnh Bình Định đang khẩn trương xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Hoài Ân là vùng đất trung du được mệnh danh là “thủ phủ cây ăn quả” của tỉnh Bình Định. Hơn 7 năm qua, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhờ xác định đúng hướng, cách làm phù hợp, huyện Hoài Ân là địa phương điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, những vùng trồng nông sản như: Bưởi da xanh, dừa xiêm, mít Thái, trà Gò Loi, heo thịt, gà ta thả vườn… mang thương hiệu đặc trưng Hoài Ân và đã vươn xa khắp đất nước.
Bình Định tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP
Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cho biết: Để nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương, dự kiến từ ngày 17 – 19/5, huyện Hoài Ân sẽ tổ chức Ngày hội nông sản lần thứ II – năm 2024, tại Công viên phố đi bộ, thị trấn Tăng Bạt Hổ. “Thông qua Ngày hội để mời gọi, kết nối nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiến đến thực hiện chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, hoàn thiện về bao bì, tem, nhãn sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ ổn định, bền vững sản phẩm”, ông Võ Duy Tín cho biết thêm.
Theo UBND tỉnh Bình Định, đến nay trên địa bàn tỉnh có 360 sản phẩm được đánh giá và công nhận xếp hạng OCOP. Các sản phẩm OCOP của địa phương đang từng bước khẳng định được giá trị cũng như chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và sử dụng ngày càng nhiều hơn.
Huyện Hoài Ân được mệnh danh là “thủ phủ cây ăn quả” của tỉnh Bình Định với nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao
Tuy nhiên theo đánh giá của Sở NN&PTNT Bình Định, việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Sản xuất theo mùa vụ với số lượng ít, quy mô nhỏ lẻ, manh mún; năng lực quản trị của các chủ thể OCOP còn yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; một số sản phẩm chủ lực còn khó khăn về công nghệ chế biến, bảo quản chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường với số lượng lớn, lâu dài.
Do đó, cần thiết phải xây dựng Đề án, nhằm lựa chọn một số sản phẩm OCOP đặc trưng để tập trung hỗ trợ phát triển thành hàng hóa, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, có quy mô sản xuất lớn, hội tụ các điều kiện để mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu.
Tại Bình Định, sản phẩm OCOP có tiềm năng để phục vụ phát triển du lịch
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án, trong đó lưu ý xây dựng các tiêu chí để lựa chọn các sản phẩm OCOP đặc trưng, có tiềm năng phát triển, đồng thời, rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP hiện hành, đề xuất các giải pháp để định danh, định vị sản phẩm gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chú trọng phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất, chế biến, tạo sức lan tỏa, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm OCOP.
Đại diện Sở Công thương Bình Định nhìn nhận, thời gian tới, để phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng thì cần nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, phấn đấu nhiều sản phẩm đạt 5 sao để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ngoài ra, ứng dụng các giải pháp số (công nghệ 4.0) trong sản xuất, thương mại sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cho OCOP và bán hàng.
Đề cập gắn kết sản phẩm OCOP trong phát triển du lịch, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho rằng: Các ngành chức năng, địa phương nên đôn đốc, lan tỏa việc đưa sản phẩm OCOP vào các khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo cơ hội gắn kết du lịch giữa các địa phương và tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm thuộc chương trình OCOP.
Bài, ảnh: Phan Hiếu
Báo Văn hóa Điện tử – baovanhoa.vn