Đa dạng sản phẩm OCOP
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 166 SP được công nhận OCOP, trong đó, huyện Bến Lức có 36 SP (chiếm gần 1/4). Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức – Lê Văn Nam chia sẻ, người dân thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi tham gia đăng ký SP OCOP.
Thời gian qua, huyện tập trung hỗ trợ chủ thể đăng ký ý tưởng, phát triển và hoàn thiện, nâng cao giá trị SP để nâng cấp thứ hạng sao nhằm đáp ứng các tiêu chí về chất lượng SP theo quy định để phát triển thị trường, kênh phân phối SP OCOP. Các SP OCOP trên địa bàn phần lớn được phát triển từ SP nông nghiệp địa phương.
Rượu đế Gò Đen được hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ (Trong ảnh: Sản phẩm rượu tham gia quảng bá, kết nối cung – cầu tại Hội chợ “Triển lãm quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM lần thứ 3 năm 2024”)
Từ nhiều thập kỷ trước, huyện Bến Lức nức tiếng với rượu đế Gò Đen. Mãi sau này, người dân khu vực Gò Đen vì “chạy” theo lợi ích về kinh tế đã không còn giữ hương vị rượu truyền thống như ngày xưa. Trước thực trạng này, anh Đặng Thanh Hùng quyết tâm gầy dựng lại hương vị rượu đế Gò Đen với slogan “Đế Gò Đen là chất lượng, nghĩa tình thâm” và mạnh dạn thành lập Công ty (Cty) Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Đế Gò Đen vào năm 2017. Địa chỉ sản xuất tại ấp 3B, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức.
Sau nhiều năm gầy dựng, sản xuất rượu Đế Gò Đen, đến nay, Cty có 7 SP rượu đạt chứng nhận OCOP 4 sao gồm: Đế Gò Đen 31%, Đế Gò Đen 41%, Đế Gò Đen Gold 41%, Đế Gò Đen Green 31%, Đế Gò Đen Đinh Lăng 31%, Đế Gò Đen CamVN 31% và Đế Gò Đen Cam19 19%. Trong số này có 1 SP OCOP tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023. Cty đã đạt chứng nhận HACCP.
Theo ông Đặng Thanh Hùng, là một doanh nghiệp địa phương, mang thương hiệu truyền thống nên ngay từ những ngày đầu gầy dựng lại thương hiệu, Cty chú trọng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tiêu chí phát triển của Cty là “xanh và sạch, ngon và lành”. Nguyên liệu sản xuất rượu vẫn là nếp kết hợp với nhiều loại thảo dược khác. Tất cả quy trình sản xuất rượu đều được chưng cất thủ công, sau đó ủ rượu ở nhiệt độ ổn định từ 27-290C giúp “chín rượu” và loại bỏ tối đa chất Aldehyde. Nhờ vậy, rượu khi uống vào có cảm giác nồng ấm nhưng không sốc, không lạnh bụng, không đau đầu và cũng không làm cơ thể “nặng mùi”. Chính yếu tố này, Đế Gò Đen được lòng người tiêu dùng, hiện rượu được tiêu thụ rộng rãi trong hệ thống Co.opmart, siêu thị GO, siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang) và hệ thống nhà hàng, quán ăn tại Long An, TP.HCM.
Anh Nguyễn Văn Thành (ấp 5, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) bắt đầu kinh doanh tổ yến từ năm 2016. Sau đó, anh phát triển SP thành yến chưng dạng hũ. Nguyên liệu yến được anh thu mua từ nhiều nguồn ở xã Mỹ Yên (huyện Bến Lức), huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), tỉnh Tiền Giang, TP.HCM. Yến sau khi thu mua về được sơ chế, chế biến, chưng cất theo chuẩn an toàn thực phẩm và bán cho người tiêu dùng. Hiện nay, yến sào Thành Tài có 4 loại đạt OCOP 3 sao, gồm: Yến baby, yến ăn kiêng, yến đường phèn và yến đông trùng hạ thảo.
Yến sào Thành Tài có 4 loại đạt OCOP 3 sao gồm yến baby, yến ăn kiêng, yến đường phèn và yến đông trùng hạ thảo
Anh Thành chia sẻ, do tập trung cho việc bán buôn nên các thủ tục hành chính để được công nhận SP đạt chuẩn OCOP, anh đều được UBND xã Mỹ Yên hỗ trợ nhiệt tình. Đây là động lực lớn để anh duy trì chất lượng SP bán ra cho người tiêu dùng. Điều thuận lợi nhất là sau khi được công nhận OCOP, số lượng SP bán ra tăng gấp đôi so với trước đây bởi người tiêu dùng tin tưởng nhiều hơn.
Theo anh Thành, trước đây, yến sào là thực phẩm xa xỉ nhưng nay được nuôi rất nhiều, đã trở thành thực phẩm thông dụng. Điểm mạnh của SP mà anh bán ra là kiểm soát được nguồn hàng, chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giá cả cạnh tranh nên rất tiềm năng cho phát triển. Vì vậy, anh đang ấp ủ ý tưởng mở một cửa hàng chuyên bán yến sào, cháo yến, súp yến. Ở cửa hàng này, anh sẽ mở rộng để bán SP OCOP trên địa bàn tỉnh nhằm tăng tương tác SP với khách hàng, giúp SP đến tay người tiêu dùng nhiều hơn.
Hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của các chủ thể, những sản phẩm OCOP dần được nâng tầm về chất lượng, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. |
Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP
Cty TNHH Nông nghiệp Vaco (ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) chuyên sản xuất nấm đông trùng hạ thảo và các thực phẩm chế biến từ nấm đông trùng hạ thảo. Giám đốc Cty TNHH Nông nghiệp Vaco – Lê Xuân Diệu cho biết: Thời gian qua, Cty tập trung nguồn lực để sản xuất ra SP an toàn, chất lượng. Chính vì vậy, SP của Cty đa dạng như SP tươi, SP chế biến sâu được phân phối rộng rãi trên thị trường bán lẻ lẫn đối tác là doanh nghiệp dùng chế biến dược phẩm.
Nấm đông trùng hạ thảo Vacofarm do Công ty TNHH Nông nghiệp Vaco sản xuất
Vốn là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp được các cơ quan trên địa bàn huyện hướng dẫn, giới thiệu để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Trong đó, may mắn lớn của doanh nghiệp là được sự giới thiệu từ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ xây dựng Đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An phát triển sản xuất các SP từ nông sản giai đoạn 2021-2023” từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Theo đó, năm 2022, Cty được hỗ trợ 300 triệu đồng, cùng với vốn đối ứng đầu tư 2 máy sấy thăng hoa nấm đông trùng hạ thảo, công suất 100kg/mẻ/30-40 giờ.
Đến năm 2023, cũng từ đề án này, Cty tiếp tục được hỗ trợ 291 triệu đồng và vốn đối ứng đầu tư 3 loại máy gồm: Máy cô đặc chân không đông trùng hạ thảo, máy chiết xuất đông trùng hạ thảo PVF, máy lọc cao áp. Khi kết hợp sử dụng 3 loại máy này vào quá trình sản xuất sẽ thu được cao đông trùng hạ thảo, có dược tính cao, tốt cho sức khỏe người dùng hoặc dùng chế biến thực phẩm chức năng. Khi sử dụng máy móc, thiết bị mới, quá trình chiết xuất hoàn toàn tự động, lọc được các loại tạp chất và SP sau chiết xuất đồng đều. SP thu được cuối cùng là cao đông trùng hạ thảo dùng cho bào chế dược phẩm hoặc các loại thức uống giàu dưỡng chất.
Theo ông Lê Văn Nam, tiềm năng phát triển SP OCOP trên địa bàn huyện hiện nay còn nhiều, bởi huyện Bến Lức có nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào và doanh nghiệp chế biến khá đa dạng. Bên cạnh hỗ trợ phát triển SP, huyện đang phối hợp Sở Công Thương tập trung các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các chủ thể phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối SP OCOP.
Thời gian qua, Sở Công Thương cũng tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, Sở Công Thương hỗ trợ các chủ thể SP OCOP xây dựng, hình thành các chuỗi phân phối SP OCOP riêng biệt, thúc đẩy hoạt động kết nối cung – cầu. Các hoạt động liên kết với các sàn thương mại điện tử cũng được tăng cường nhằm quảng bá, giới thiệu để SP OCOP có điều kiện vươn xa./.
Mai Hương
Báo Long An – baolongan.vn