Bản Quyên – điểm đến hấp dẫn ở Thái Nguyên

Ngày 19/5/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1235/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch địa phương: Làng văn hóa du lịch Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa). Đây là 1 trong 11 điểm du lịch địa phương trên địa bàn tỉnh được công nhận và đưa vào khai thác, phục vụ du khách trong nước, quốc tế.
Du khách nước ngoài trải nghiệm tại Làng văn hóa du lịch Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa).

Xóm Bản Quyên dựa lưng vào một dải đồi thấp, phía trước trông ra cánh đồng rộng rãi, có dòng suối Nạ Tra róc rách chảy 4 mùa. Trên địa bàn xã Điềm Mặc, ngoài Di tích đồi Khau Tý còn có 23 di tích lịch sử kháng chiến đã được Nhà nước cấp bằng, dựng bia và lập hồ sơ khoa học công nhận.

Là “Phủ Chủ tịch” đầu tiên sau ngày toàn quốc kháng chiến, lại sở hữu cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp, có hệ thống giao thông thuận lợi nên xóm Bản Quyên thực sự là một trong những điểm du lịch địa phương hấp dẫn du khách. Ông Ma Đình Soạn, người làm dịch vụ homestay ở xóm, cho biết: Nhiều du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm đều thích thú vì được hòa mình với thiên nhiên, khám phá nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày Việt Bắc.

Gia đình ông Soạn là 1 trong 15 hộ của xóm gìn giữ được nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày và đăng ký tham gia làm du lịch cộng đồng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Thanh Sáu cho biết: Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, hầu hết các gia đình đã tu sửa lại nhà ở, bảo đảm chắc chắn, an toàn và sẵn sàng đón khách du lịch.

Còn ông Ma Đình Vận thông tin: Các hộ tham gia làm du lịch chủ động đầu tư cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch, từ chỗ nghỉ ngơi lưu trú, bếp ăn, đặc biệt là khu vực nhà vệ sinh được nâng cấp, có bình nóng – lạnh, tường, nền lát gạch hoa, mọi nơi, mọi chỗ đều sạch sẽ.

Để xứng tầm là một điểm du lịch kề cận “Phủ Chủ tịch” đầu tiên ở Thủ đô gió ngàn Định Hóa, những năm gần đây, tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng thực hiện Dự án xây dựng, vận hành mô hình du lịch cộng đồng. Các hộ tham gia làm du lịch cũng chủ động tạo cảnh quan, môi trường như việc thiết kế, xây dựng lại một số khu ruộng, nương chè, trang trí nhà cửa… tạo ấn tượng cho du khách.

Để “vận hành” các hoạt động dịch vụ, giữa các hộ có sự liên kết chặt chẽ, như việc san sẻ du khách trong trường hợp cùng lúc đến trải nghiệm số lượng lớn; tổ văn nghệ hát Then, đàn Tính, tổ nấu ăn, tổ đưa đón khách, tổ đón tiếp, thuyết minh, hướng dẫn du khách sẵn sàng vào việc, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách, tạo cho du khách phấn chấn khi sử dụng các dịch vụ.

Ông Nông Đình Dược chào đón du khách với cây đàn tính.

Bên hiên nhà sàn, ông Ma Đình Được phấn chấn nói: Ngành Văn hóa của tỉnh đã làm thay đổi cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân xóm Bản Quyên. Bắt đầu từ việc hỗ trợ sửa chữa nhà ở, nên Bản Quyên không bị “chảy máu nhà sàn”. Cơ quan chức năng cũng tổ chức cho bà con tham gia các lớp tập huấn về du lịch, như kỹ năng giao tiếp, quảng bá, giới thiệu cảnh quan, tập quán, ẩm thực; cùng du khách trải nghiệm về nghệ thuật đàn tính, hát then, trồng, chế biến chè.

Hầu hết các hộ tham gia làm du lịch đều được tổ chức đi tham quan một số làng du lịch cộng đồng để “tầm sư học đạo”, như: Bản Lác, bản Poom Coọm (Mai Châu – Hòa Bình); Tân Cương (TP. Thái Nguyên); Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội).

Chuyện làm du lịch, bà Ma Thị Lan, Tổ trưởng hát Then, đàn Tính của xóm, kể: Nhiều du khách, nhất là người nước ngoài đến xóm rất thích thú khi được cùng bà con lên đồi hái chè, xuống ruộng cấy lúa. Có du khách sau khi sao chè, cầm vào con dao thấy da tay chuyển sang màu đen, vội đi rửa mà không hết. Chúng tôi lấy chanh cho rửa, da tay lại trắng như “tuyết trời Âu” thì họ cười ồ lên vẻ thú vị.

Còn ông Nông Đình Dược chia sẻ: Sau khi trải nghiệm với công việc nhà nông, du khách được thưởng thức các món đặc sản của núi rừng Việt Bắc, như: Cơm lam, măng nhồi thịt, nộm bi chuối rừng, bánh ngải, xôi ngũ sắc, canh gà gừng, thịt lợn ướp gia vị nướng trên than củi… ai nấy thích thú vì vừa được trải nghiệm sống ở môi trường mới lạ.

Cùng thời gian, xóm Bản Quyên ngày càng được nhiều du khách trong nước, quốc tế biết đến. Hơn thế, từ Bản Quyên có thể dễ dàng kết nối với các điểm tham quan khác trong huyện, tỉnh như các di tích lịch sử ở xã Phú Đình, thị trấn Chợ Chu… rồi về hồ Núi Cốc (Đại Từ), đền Đuổm (Phú Lương), vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên), hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Võ Nhai), Khu di tích Tân Trào (Tuyên Quang), Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc)…

Phạm Ngọc Chuẩn
Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn