Sản phẩm mắm tép chưng thịt của Công ty Cổ phần PTK Việt Nam được đề nghị gia hạn sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2024
Phát huy lợi thế của các địa phương cùng sự cố gắng, nỗ lực, tích cực trong triển khai chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm, đến hết năm 2023 huyện Tiên Du đã có 20 sản phẩm khác được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm tiêu biểu như: Mắm tép chưng thịt PTK, heo khô sợi PTK, thịt sào mắm ruốc PTK, trâu khô sợi PTK (thị trấn Lim); chuối an toàn, chuối sấy rẻo (Cảnh Hưng); mây tre đan (Lạc Vệ), Tảo spirulina khô, địa liền khô thái lát, bột củ mài nguyên chất, sâm đại hành sấy, trà túi lọc đông trùng hạ thảo thương hiệu bảo khang … Các sản phẩm OCOP được công nhận đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, mở ra cơ hội nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, hiệu quả. Với vai trò là cơ quan thường trực chương trình, Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình, đồng thời tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP; tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã được công nhận; xây dựng điểm giới thiệu, bán hàng; tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Huyên, Giám đốc Công ty TNHH PTK 879 cho biết: “Năm 2012, tôi thành lập Công ty TNHH PTK với mục tiêu tạo nên một thương hiệu Việt, mang tầm cỡ quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Công ty đầu tư máy móc sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm “Mắm tép chưng thịt PTK”, chú trọng mở rộng thị trường. Đến nay, quy trình sản xuất mắm tép của Công ty khép kín từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm và đóng gói, chất lượng ngày càng thơm, ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đi cùng với chất lượng, Công ty luôn quan tâm cải tiến hình thức sản phẩm qua từng bao bì, mẫu mã bắt mắt… Năm 2020, sản phẩm mắm tép chưng thịt PTK được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh; được vinh danh trong tốp 100 thương hiệu nổi tiếng ASEAN. Cũng từ đó nhiều nhà phân phối bán lẻ đã liên kết đặt hàng đưa vào bày bán ở gần 300 điểm kinh doanh trong hệ thống bán lẻ tại Hà Nội và hệ thống siêu thị Dabaco, Winmart, Coopmart và siêu thị Huy Hùng (thành phố Từ Sơn). Hiện tại, mỗi ngày Công ty sản xuất và cung ứng ra thị trường 500 kg sản phẩm, tăng gấp 20 lần so với những năm đầu thành lập; doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước năm sau luôn cao hơn năm trước, tạo việc làm trực tiếp cho gần 20 lao động”.
Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Bảo Khang (Khu Thực nghiệm Nông nghiệp Công nghệ cao xã Việt Đoàn) chuyên sản xuất các sản phẩm: Đông trùng hạ thảo trên nền cơ chất tảo spirulina, tảo spirulina khô, địa liền khô thái lát, bột củ mài nguyên chất, sâm đại hành sấy, trà túi lọc đông trùng hạ thảo thương hiệu bảo khang, cốm hoà tan đông trùng hạ thảo thương hiệu bảo khang. Để mở rộng thị trường, phát triển mạng lưới tiêu thụ, tăng nhận diện thương hiệu và nâng tầm vị thế sản phẩm, liên tiếp từ năm 2019 đến nay, Công ty đều có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh. Đến nay, công ty có 4 sản phẩm: Đông trùng hạ thảo trên nền cơ chất tảo spirulina Bảo Khang, tảo spirulina khô Bảo Khang, Địa liền khô thái lát, Bột củ mài nguyên chất được công nhận chất lượng 3-4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, 2023 Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Tỉnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Bảo Khang, các sản phẩm sau khi được công nhận đều có sự mở rộng thị trường do người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng hơn về chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao doanh thu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu gia hạn thời gian công nhận hoặc có giải pháp đơn giản hoá thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận thay vì yêu cầu chủ thể phải làm hồ sơ như công nhận lần đầu cho sản phẩm.
Phát huy kết quả đạt được năm 2024, huyện rà soát, đăng ký ít nhất 5 sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh. Để bảo đảm kết quả cho các sản phẩm khi tham gia chương trình, Huyện tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm. Huyện hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp xây dựng và phát triển một số sản phẩm chủ lực trở thành thương hiệu mạnh của huyện. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của cộng đồng, chủ thể tham gia chương trình; tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới.
Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, huyện Tiên Du sẽ đạt kết quả cao trong tham gia, thực hiện chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm, qua đó giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện.
Nguyễn Tuấn
Báo Bắc Ninh – baobacninh.com.vn