Bắc Ninh: Phù Lãng phát triển nghề gốm gắn với chương trình OCOP và du lịch làng nghề

Những năm qua, chính quyền xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ, Bắc Ninh) triển khai hiệu quả nhiều giải pháp góp phần gìn giữ, quảng bá, phát huy các giá trị đặc sắc của làng nghề gốm truyền thống. Qua đó, giúp phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực đưa ngành du lịch của địa phương phát triển đa dạng, có sức hấp dẫn riêng.  

Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh (mặc áo trắng) đang hoàn thiện sản phẩm tranh gốm

Tại cơ sở sản xuất đồ gốm của nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh, thôn Phù Lãng, được đắm chìm trong không gian làng gốm cổ truyền với những đôi lọ lục bình, tượng gốm và những bức tranh gốm bắt mắt. Đưa đôi tay tài hoa phác thảo những nét vẽ trên nền đất nện, anh Thịnh chia sẻ: “Để phát triển nghề gốm, tôi cùng gia đình luôn chú trọng đổi mới, hoàn thiện sản phẩm làm ra. Hiện tại, cơ sở của tôi chuyên sản xuất đồ gốm mỹ nghệ, trong đó chủ đạo là sản phẩm tranh gốm với nội dung miêu tả về cảnh sắc làng quê, văn hóa dân gian Việt Nam, gần gũi với thiên nhiên, ca ngợi lao động sản xuất, vẻ đẹp quê hương, đất nước như: Tranh cây đa, giếng nước, sân đình, đồng quê, ngày mùa, làng quê, tranh sen, vinh quy bái tổ, chợ quê, lễ hội, quan họ Kinh Bắc…”.

Tranh gốm của Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh không chỉ mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao mà còn phù hợp trang trí không gian nội, ngoại thất tại các khách sạn, nhà hàng, nhà vườn, khu resort… Bởi vậy, không ít khách hàng từ các tỉnh, thành phố trong cả nước như Cần Thơ, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hải Dương, Phú Thọ… tìm đến đặt hàng. Với những sản phẩm gốm đáp ứng thị hiếu của khách hàng, cơ sở sản xuất gốm của gia đình nghệ nhân Đức Thịnh luôn có công việc đều đặn, doanh thu khoảng gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động thường xuyên với mức lương từ 8-15 triệu đồng/tháng. Để tăng cường quảng bá sản phẩm, cơ sở gốm Đức Thịnh còn thiết kế khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm và khu trải nghiệm làm gốm để phục vụ nhu cầu của khách tham quan. Đặc biệt, năm 2021, cơ sở gốm Đức Thịnh được lựa chọn tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP). Qua các vòng tuyển chọn, gốm Đức Thịnh đã có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sản phẩm đạt 3 sao.

Những năm qua, nhờ chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, các chính sách hỗ trợ trong việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống của Trung ương và địa phương mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng gốm Phù Lãng có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, làng gốm Phù Lãng có khoảng 200 hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh gốm, tạo việc làm cho 850 lao động. Trong đó 50 lò nung đốt gốm truyền thống, 15 lò nung đốt gốm bằng khí gas. Mỗi năm sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ trên 1 triệu sản phẩm gốm các loại như: Chậu hoa, chum vại, lọ, tranh gốm… Ngoài những sản phẩm mang tính truyền thống, làng gồm Phù Lãng còn sản xuất những sản phẩm mỹ nghệ đáp ứng với thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước. Doanh thu từ lĩnh vực này năm 2022 đạt gần 90 tỷ đồng, thu nhập của người dân trực tiếp sản xuất gồm hiện nay đạt hơn 7 triệu đồng/người/tháng.

Để nâng cao giá trị cũng như thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề, xã Phù Lãng chú trọng vận động các gia đình đăng ký tham gia sản phẩm OCOP để tạo sản phẩm đặc trưng; tuyên truyền, vận động người dân tham tích cực vào việc bảo tồn và phát triển làng nghề. Vận dụng và khai thác tối đa các chính sách của nhà nước để đầu tư hạ tầng làng nghề nông thôn; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận và triển khai hiệu quả dự án bảo tồn và phát triển nghề làm gốm tại Phù Lãng do tổ chức JICA Nhật Bản viện trợ. Tính đến thời điểm hiện tại, làng nghề được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận 6 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Các học sinh tham gia trải nghiệm tại làng nghề gốm Phù Lãng

 Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của làng nghề, xã Phù Lãng cũng đẩy mạnh phát triển du lịch tại địa phương thông qua việc phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát lập dự án đầu tư; tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các dự án xây dựng sản phẩm OCOP du lịch làng nghề gốm truyền thống Phù Lãng. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 phần đấu đến năm 2025, đưa tỷ trọng ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm 33% cơ cấu kinh tế của xã.

Ông Vũ Văn Vận, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Với mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025 và những chỉ tiêu kinh tế, xã hội khác đã đề ra, xã Phù Lãng tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội bền vững theo hướng phát huy nội lực, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế tại địa phương để nâng cao chuỗi giá trị về kinh tế. Trong đó, ưu tiên phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ và du lịch nông thôn. Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh phát triển làng nghề gốm truyền thống, xã Phù Lãng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho người dân cũng như các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng. Triển khai chương trình mỗi xã phường một sản phẩm tiêu biểu, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh, rà soát, ban hành nội dung, mức hỗ trợ chương trình OCOP theo từng hạng sao. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân có chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng được hồ sơ sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu địa phương. Tổ chức triển khai chu trình OCOP thường niên linh hoạt, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguyên liệu, lao động địa phương; đổi mới công nghệ, thực hiện song song vừa sản xuất sản phẩm OCOP gắn với bảo tồn và phát triển bền vững, tổ chức giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống…

N.Quân

Báo Bắc Ninh Online – baobacninh.com.vn