Theo nội dung Đề án, trong giai đoạn đầu, tỉnh chủ trương xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng tại làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), làng tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành) và làng Quan họ cổ Viêm Xá (còn gọi là làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).Theo đó, Bắc Ninh sẽ quy hoạch điểm Viêm Xá tại khu vực ven đê sông Cầu thành khu vực vui chơi, giải trí, check-in cho du khách; đồng thời phục dựng các phiên chợ ở làng Diềm… Tại làng gốm Phù Lãng, sẽ có điểm trưng bày, giới thiệu lịch sử, trải nghiệm làm gốm Phù Lãng và gốm Việt Nam nói chung, làng tranh Đông Hồ sẽ tái hiện các hình ảnh phơi tranh, chợ tranh Tết, hình thành các tour khám phá lịch sử, cuộc sống cư dân hai bờ sông Đuống. Dựa trên nội dung Đề án và tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vừa qua, Liên minh HTX tỉnh vận động thành lập 3 HTX là HTX dịch vụ du lịch Viêm Xá, HTX du lịch tranh Đông Hồ, HTX dịch vụ và du lịch gốm Phù Lãng. Các HTX được định hướng hoạt động dưới nhiều hình thức như tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm văn hóa truyền thống, đời sống sinh hoạt cộng đồng cũng như sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm OCOP tiêu biểu.
Việc hình thành HTX dịch vụ du lịch Viêm Xá góp phần phát triển du lịch làng Diềm bài bản hơn
Ông Nguyễn Văn Tý, trưởng khu phố Viêm Xá (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) vừa được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX dịch vụ du lịch Viêm Xá phấn khởi: “Nhờ sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt từ khi nhà hát Quan họ đi vào hoạt động, làng Diềm đã trở thành điểm đến của nhiều du khách thập phương, không chỉ trong các dịp lễ, hội mà còn thu hút lượng lớn khách vãng lai cuối tuần. Thời gian qua, nhiều đoàn khách chủ động liên hệ với trưởng khu đặt lịch trải nghiệm nghe hát Dân ca Quan họ, thưởng thức ẩm thực ngay tại nhà chứa Quan họ. Tuy nhiên, về cơ bản, hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, chưa mang tính chất chuyên nghiệp, một số hộ vẫn tự phát đón khách. Vì vậy, được sự vận động của các ngành, cấp, tháng 12-2023, chúng tôi đã đứng ra thành lập HTX dịch vụ du lịch Viêm Xá với 7 thành viên. HTX có mục tiêu trở thành đầu tàu kết nối các hộ gia đình, các doanh nghiệp tổ chức tour, tuyến bài bản về dịch vụ tham quan, trải nghiệm văn hóa, tiêu thụ đặc sản bánh khúc và mong muốn tham gia nhiều hơn vào các chương trình xúc tiến các du lịch của thành phố, của tỉnh”. Ngoài 3 HTX trên, nhìn nhận xu hướng du lịch trải nghiệm văn hóa và cộng đồng ngày càng phát triển, Liên minh HTX tỉnh cũng vận động thành lập HTX phát triển công nghệ Tâm An (Hiên Vân, Tiên Du) là mô hình nông nghiệp gắn với du lịch, đem đến du khách cơ hội thư giãn, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kết hợp dịch vụ.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, khó khăn trong việc xây dựng, phát triển các HTX gắn với du lịch hiện nay là đa phần các đơn vị mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng ở mức đơn giản, người dân vẫn chưa có nhiều kỹ năng hướng dẫn, tổ chức du lịch cộng đồng chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất, hạ tầng còn khiêm tốn, khả năng kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, giới thiệu sản phẩm OCOP còn rất hạn chế nên khó giữ chân du khách… Vì vậy, đồng hành cùng các mô hình HTX du lịch, Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân, thành viên HTX. Cụ thể hơn, các HTX sẽ được hỗ trợ xây dựng quy trình đón tiếp; chuẩn bị ẩm thực; tổ chức biểu diễn; sản xuất theo hướng cam kết chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP; tổ chức các điểm bán, giới thiệu sản phẩm làm quà tặng;… Đồng thời, có chiến lược kết nối kinh doanh giữa các HTX trên địa bàn với đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh; tập huấn về quảng bá trên nền tảng số để thu hút đông đảo du khách. Qua đó, góp phần triển khai thành công Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”, hình thành nên các HTX điển hình mang bản sắc riêng của các địa phương.