Bắc Ninh: Đưa sản phẩm OCOP vào kênh bán lẻ hiện đại

Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), đến nay Bắc Ninh có 174 sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, một số sản phẩm OCOP chất lượng đã được các cấp, ngành và các chủ thể liên kết đưa vào kênh bán lẻ hiện đại để quảng bá, giới thiệu, được thị trường đón nhận. Tuy mang lại không ít lợi ích, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh qua kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm tỷ lệ nhỏ.

Qua khảo sát các gian bán hàng tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh cho thấy, tại đây bày bán khá nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, trong đó có nhiều mặt hàng là sản phẩm OCOP, đặc trưng các vùng miền trên cả nước, như: Bánh nhãn (Nam Định), mì Chũ (Bắc Giang), kẹo dừa (Bến Tre), bánh đậu xanh (Hải Dương), bánh cốm (Hà Nội), yến sào (Khánh Hòa), chè xanh (Thái Nguyên)… Nhưng số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh chưa có nhiều, chỉ lác đác một vài sản phẩm, khiến người tiêu dùng khó tìm mua, các chủ thể OCOP cũng băn khoăn, lo lắng.

Sản phẩm OCOP của tỉnh được nhiều người tin dùng, chọn mua

Bà Nguyễn Thị Hà, phường Vân Dương (thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ thương mại, tôi đã biết đến và mua được một số sản phẩm OCOP chất lượng của tỉnh, như: Bún, phở khô Khương Huy; nem bùi Tuấn Liên; khoai tây Quế Võ; tỏi An Thịnh; mắm tép trưng thịt PKT… Dù muốn sử dụng những sản phẩm này thường xuyên hoặc mua để làm quà biếu cho người thân, nhưng tìm mua không dễ dàng vì rất ít chợ, siêu thị bày bán.
Theo các chủ thể OCOP cũng như doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh, đưa sản phẩm vào siêu thị đã khó, nhưng để người dân tin dùng hàng hóa của địa phương lại càng khó hơn, nhất là đối với những sản phẩm có hạn sử dụng ngắn. Nhà bán lẻ không tiêu thụ nhanh sẽ khiến cho sản phẩm bị hết hạn, “cận đát” dẫn đến phải đổi trả, làm ảnh hưởng đến tài chính của nhà cung cấp. Vì vậy, ngay cả khi vào được siêu thị nhưng không phải sản phẩm nào cũng dễ dàng tiêu thụ được nếu không có sự đầu tư đúng mức về công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm. Điều này, theo đánh giá của các nhà bán lẻ thì so với các địa phương khác, các chủ thể OCOP của Bắc Ninh chưa thực sự chú trọng và làm tốt.
Thực tế cho thấy, thông qua chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, số lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh được công nhận gia tăng qua các năm; tính hoàn thiện từ chất lượng đến mẫu mã, bao bì sản phẩm ngày càng cao, chủng loại sản phẩm đa dạng. Trong khi đó, hệ thống bán lẻ hiện đại của tỉnh phát triển khá mạnh (toàn tỉnh hiện có 3 trung tâm thương mại, 25 siêu thị, gần 140 cửa hàng tiện lợi). Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đây là cơ hội thuận lợi để đưa sản phẩm OCOP vào các kênh bán lẻ hiện đại, không chỉ giúp doanh nghiệp, HTX mở rộng đầu ra, chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh mà còn góp phần nâng tầm vị thế, chắp cánh cho sản phẩm OCOP của tỉnh thâm nhập vào thị trường thế giới…
Để đưa được hàng vào siêu thị, các doanh nghiệp, HTX cần đổi mới tư duy, chú trọng đến vấn đề ổn định sản phẩm cả về lượng và chất; chủ động kết nối, đàm phán với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; liên kết với nhau để tạo thành chuỗi giá trị rộng lớn… Các ngành chức năng của tỉnh như: Nông nghiệp, Công Thương… tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ liên kết sản xuất, đưa nông sản vào kênh tiêu thụ hiện đại triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, kế hoạch khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đào tạo, tập huấn cho hộ nông dân, tổ chức kinh tế hợp tác trong việc tự kiểm soát và giám sát cộng đồng về chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truyền thông, quảng bá sản phẩm chất lượng, an toàn; tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín sản phẩm OCOP của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc HTX Khương Huy, xã Nguyệt Đức (thị xã Thuận Thành) cho biết: “HTX có 6 sản phẩm đạt OCOP được người tiêu dùng đánh giá rất cao, nhưng đến nay vẫn chưa đưa được vào các siêu thị lớn trong tỉnh. Do đó, thời gian tới, ngoài việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX sẽ chủ động, tích cực hơn trong việc tìm kiếm, kết nối với bộ phận nhập nguồn hàng của các siêu thị, trung tâm thương mại để có cơ hội hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.
Ông Lưu Bảo Trung, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Ngành Công Thương sẽ rà soát, hỗ trợ một số siêu thị xây dựng “Điểm bán hàng Việt”; chú trọng kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối hiện đại; tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thương mại; tăng cường phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước đăng tải thông tin về sản phẩm OCOP của Bắc Ninh trên website của các Sở Công Thương để các doanh nghiệp, siêu thị, nhà bán lẻ biết đến và chủ động liên hệ khi muốn đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vào bày bán.

Thanh Ngân

Báo Bắc Ninh – baobacninh.com.vn