Bắp nếp – một trong những sản phẩm OCOP của huyện Phước Long. Ảnh: C.L
Cụ thể hóa chủ trương, huyện Phước Long đã ban hành các kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp huyện. Tổ chức nhiều lớp tập huấn về OCOP cho các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn trong địa bàn và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng; xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; thuê chuyên gia tư vấn nâng cấp sản phẩm OCOP để đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh… Đến nay, huyện Phước Long đã có 28 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 14 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 3 sao.
Ông Lâm Chí Đạt (xã Vĩnh Phú Đông) chia sẻ: “Từ khi cây bắp nếp trồng dưới ruộng lúa được công nhận là sản phẩm OCOP, thì sức tiêu thụ mạnh hơn do được nhiều người tiêu dùng biết đến, thu nhập cũng theo đó tăng lên. Đây là chuyện vui đối với người trồng bắp. Để giữ vững thương hiệu bắp nếp Vĩnh Phú Đông, tôi và nhiều bà con cố gắng chăm sóc ruộng bắp theo quy trình an toàn để có sản phẩm sạch, ngon để không phụ lại sự tin tưởng của người tiêu dùng”.
Có thể nói, Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện. Chương trình OCOP đã trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nông thôn, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm của các chủ thể, nhất là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong tổ chức. Đồng thời, giúp hình thành nền kinh tế “xanh”, phát triển các vùng sản xuất nông sản “sạch”, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện.
“Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trọng tâm là tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm mới, thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh. Tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung thực hiện tốt chủ trương phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như hợp tác xã, tổ hợp tác để kích thích quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, giúp tăng thu nhập và phát triển đời sống của người sản xuất”, ông Lê Văn Tần – Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết.
Song Nguyên
Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn