Bạc Liêu: Chú trọng xây dựng, quảng bá các sản phẩm OCOP

Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các chủ thể và sự đồng hành của các cấp chính quyền, ngành chức năng, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã có những thay đổi rõ rệt và hiệu quả ngày càng cao.

Các sản phẩm OCOP của huyện Phước Long. Ảnh: C.L

Việc triển khai Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện. Chương trình OCOP cũng đã góp phần hình thành nền kinh tế xanh, phát triển các vùng sản xuất nông sản sạch và hướng tới nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương.

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay toàn huyện có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao, với các sản phẩm gắn liền với địa danh vùng đất Phước Long như: rau cần nước, bắp nếp, chả cá thác lác, mắm cá lóc, bánh phồng tôm…

Huyện cũng đã xây dựng 4 điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn nhằm tạo “thương hiệu” cho các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ; xây dựng một số sản phẩm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân. Từ đó, đã tạo động lực để hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tích cực xây dựng, phát triển các sản phẩm đạt chuẩn OCOP vào được nhiều hệ thống phân phối và đến được với đông đảo người tiêu dùng.

Để các sản phẩm OCOP ngày càng phong phú, đa dạng, mang tính đặc thù của địa phương, huyện Phước Long đã ban hành các kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả về việc phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện và tổ chức rà soát, đăng ký thi đánh giá, phân hạng sản phẩm đặc trưng của địa phương hằng năm.

Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn các bước thực hiện quy trình về OCOP cho các xã, thị trấn trên địa bàn và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng; liên hệ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tiến hành đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; mời chuyên gia tư vấn nâng cấp sản phẩm OCOP để đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện. Đồng thời, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn để đăng ký tham gia thi đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy định, từ đó xây dựng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương.

Ông Trương Thanh Tuyền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Quyết Tiến (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), cho biết: “Việc được các cấp chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện đầu tư sản phẩm, quảng bá thương hiệu đã giúp các sản phẩm OCOP của nhiều cá nhân, tập thể tiếp cận được nhiều hơn đối tượng khách hàng, giúp cho đầu ra được đảm bảo, thu nhập của người dân được tăng lên đáng kể”.

Khôi Nguyên

Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn