Bắc Kạn xây dựng làng nghề nông lâm nghiệp

Từ khi thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, cơ chế về phát triển nông nghiệp hàng hóa, Bắc Kạn đã hình thành nhiều vùng sản xuất, chế biến có quy mô. Đây là cơ sở để địa phương tiến thêm một bước, đưa các vùng sản xuất tập trung thành làng nghề nhằm “định vị” thương hiệu chế biến nông sản gắn với phát triển du lịch.
Đóng gói sản phẩm miến dong tại xưởng sản xuất của Hợp tác xã miến dong Tài Hoan. (Ảnh Thu Cúc)

Chúng tôi về xã Côn Minh, huyện Na Rì chứng kiến sự đổi thay diện mạo nông thôn nhờ nghề làm miến dong truyền thống. Tại Hợp tác xã miến dong Tài Hoan, Giám đốc Nguyễn Thị Hoan giới thiệu về dây chuyền máy móc chế biến hiện đại. Các công đoạn sản xuất rút ngắn, nhanh, chất lượng miến dong đồng đều. Trước đây, làm thủ công, cơ sở của chị Hoan chỉ sản xuất được khoảng 50 tấn miến/năm, giờ con số này là 350 tấn/năm.

Theo chị Hoan, được sự hỗ trợ của tỉnh, chị đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã, tiến lên sản xuất quy mô lớn. Đến nay, sản phẩm của đơn vị đạt chứng nhận OCOP 5 sao quốc gia, xuất khẩu sang châu Âu. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục đầu tư để nâng công suất lên khoảng 500-600 tấn miến/năm.

Xã Côn Minh có nghề chế biến miến dong truyền thống ở các thôn Chợ B, Nà Làng, Bản Cuôn, Bản Cảo với 221 hộ dân sinh sống. Trong đó, có 49 hộ tham gia sản xuất thường xuyên, chiếm 22,17%. Trồng dong riềng và chế biến miến dong không chỉ là ngành nghề chính mà còn trở thành nghề làm giàu cho người dân nơi đây. Trung bình mỗi vụ, toàn xã sản xuất được gần 1.000 tấn miến, thu về khoảng 50 tỷ đồng.

Côn Minh là xã đầu tiên của Bắc Kạn được công nhận làng nghề với tên gọi Làng nghề sản xuất miến dong Côn Minh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì Lương Thanh Lộc, khi được công nhận làng nghề, Côn Minh sẽ có cơ hội bảo tồn những đặc trưng cơ bản của kinh tế truyền thống; thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, hướng tới mục tiêu xây dựng làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng.

Trước đây tư duy, nhận thức của người dân và cấp ủy, chính quyền ở Bắc Kạn về phát triển, xây dựng làng nghề đâu đó còn chưa thống nhất. Tuy nhiên, hiệu quả từ phát triển sản xuất hàng hóa gắn với kinh tế hợp tác xã thành công trong 5 năm lại đây đã góp phần thay đổi nhận thức này.

Xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để được công nhận làng nghề nấu rượu men lá. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thái cho biết: “Làng nghề sản xuất rượu Bằng Phúc thực hiện ở các thôn Nà Pài, Bản Quân, Nà Hồng, Bản Khiếu. Tại các thôn này hiện có 338 hộ dân sinh sống thì trong đó có 172 hộ làm nghề nấu rượu, đạt tỷ lệ 50,88%. Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn người dân việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong sản xuất để đáp ứng các tiêu chí theo quy định”.

Khi được công nhận làng nghề, Bằng Phúc không chỉ tăng sản xuất mà còn có thể phát triển du lịch. Xã có điều kiện thuận lợi khi nằm trên tuyến đường mới mở từ thành phố Bắc Kạn đến khu du lịch hồ Ba Bể, đồng thời, sở hữu hơn 600 cây chè Shan tuyết cổ thụ trên các sườn núi bao quanh xã. Sản phẩm rượu Bằng Phúc ngày càng có tiếng, nhất là khi Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm đã xuất khẩu được sản phẩm sang Nhật Bản.

Làng nghề đóng vai trò quan trọng đối với việc xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Lợi ích của việc phát triển làng nghề không chỉ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Nhận thức rõ vấn đề này, trong ba năm lại đây, việc đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng, phát triển làng nghề được tỉnh Bắc Kạn chú trọng. Mới nhất, ngày 25/7/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2024-2025.

Theo UBND tỉnh, kế hoạch được triển khai nhằm tạo điều kiện cho các làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển bền vững gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường và tôn tạo, gìn giữ không gian nông thôn.

Thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã khảo sát, đánh giá và lựa chọn được ba ngành nghề có tiềm năng để xây dựng làng nghề ở huyện Na Rì và huyện Chợ Mới. Tại huyện Na Rì, ở xã Sơn Thành có nghề làm men rượu truyền thống. Hiện tại, nghề sản xuất men rượu được phổ biến tại các thôn Soi Cải, Bản Chang, Nà Lẹng, Nà Pàn với tổng số 50/94 hộ trực tiếp tham gia sản xuất ổn định hơn 20 năm qua. Doanh thu bình quân của hộ trực tiếp sản xuất men rượu khoảng 80-100 triệu đồng/năm.

Tại huyện Chợ Mới, xã Hòa Mục có nghề sản xuất cơm lam, bánh gio, bánh củ chuối được phổ biến tại thôn Bản Giác và Bản Đồn với tổng số hộ trực tiếp tham gia thường xuyên từ nhiều năm là 42/196 hộ. Doanh thu của hộ trực tiếp sản xuất cơm lam, bánh gio, bánh củ chuối hơn 187 triệu đồng/năm.

Riêng xã Yên Hân có nghề sản xuất chè Shan tuyết được phổ biến tại thôn Bản Mộc và Tát Vạ với 24/54 hộ tham gia sản xuất, chế biến chè, hoạt động sản xuất; chế biến tập trung ổn định liên tục qua các năm tại thôn Bản Mộc; một hợp tác xã sản xuất, chế biến chè tại thôn Bản Mộc. Diện tích chè đang khai thác thường xuyên khoảng 22 ha. Tổng doanh thu của hộ sản xuất chè Shan tuyết khoảng 56 triệu đồng/năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn đánh giá, cả ba ngành nghề nông thôn ở Sơn Thành, Hòa Mục và Yên Hân đều đạt được hai phần ba tiêu chí để được công nhận làng nghề.

Tiêu chí chưa đạt là chưa có phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế tại địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề hoạt động theo quy chế do UBND xã ban hành.

Trước vấn đề này, UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao ngành chuyên môn, chính quyền hai huyện Na Rì, Chợ Mới và các xã Sơn Thành, Hòa Mục, Yên Hân tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung, tiêu chí theo quy định để bảo đảm đủ điều kiện công nhận làng nghề; đồng thời chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để xây dựng làng nghề. Tỉnh cũng giao huyện Chợ Đồn tập trung xây dựng đạt các tiêu chí để công nhận làng nghề đối với ngành nghề sản xuất rượu men lá ở xã Bằng Phúc.

Tuấn Sơn
Báo Nhân Dân – nhandan.vn