Bắc Kạn: Phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng từ tiềm năng sẵn có

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kết hợp với điều chỉnh cơ cấu dịch vụ; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch..., là những nhiệm vụ chính được tỉnh Bắc Kạn xác định phải tập trung thực hiện để phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.

Sẵn tiềm năng…


Bắc Kạn là tỉnh giàu tiềm năng du lịch bởi sự phong phú của tài nguyên, khoáng sản và nền văn hoá đậm đà bản sắc của 07 dân tộc cùng chung sống. Bắc Kạn đồng sở hữu 01 di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là hát Then (cả nước chỉ có 13 di sản loại này) và sở hữu 16 di sản trong danh mục Văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời sở hữu 02 di tích quốc gia đặc biệt là Khu ATK Chợ Đồn và Khu du lịch Ba Bể.


Hiện nay, Khu du lịch Ba Bể là điểm du lịch trọng điểm nổi bật nhất của tỉnh Bắc Kạn. Đây là nơi có nhiều điểm tham quan du lịch độc đáo với các thắng cảnh như: Ao Tiên, đảo Bà Góa, đền An Mã, động Puông, thác Đầu Đẳng, thác Tát Mạ, sông Năng; động Hua Mạ, động Nà Phoòng, hang Thẳm Kít, hang Thẳm Phầy… Các bản nhà sàn ven Hồ với mô hình du lịch Homestay được gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc. Nơi lưu giữ các món ẩm thực đặc trưng, độc đáo của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao; các làn điệu then, sli, slượn, hát then, hát pụt…



Du khách trải nghiệm cách làm món ăn dân tộc tại một gia đình người dân tộc Dao xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể


Tiếp theo là quần thể di tích lịch sử ATK Chợ Đồn đang từng bước trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần khơi dậy niềm tự hào của dân tộc. ATK Chợ Đồn bao gồm 25 điểm di tích, trong đó có 06 di tích lịch sử cấp quốc gia (Bản Ca, Nà Pậu, Khuổi Linh, Bản Bẳng, Nà Quân, đồi Khau Mạ) và 04 di tích lịch sử cấp tỉnh (Nà Pay, Phja Tắc, đồi Khuổi Đăm, Nà Kiến). Các điểm di tích đều ghi dấu sự kiện lịch sử cách mạng, là nơi ở và làm việc của Bác Hồ cùng các bậc tiền bối cách mạng và các cơ quan của Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ… trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954).


Ngoài ra, Bắc Kạn còn có nhiều đền, chùa như: Đền Thắm, đền Thác Giềng, đền Mẫu, đền Cô, chùa Thạch Long, chùa Thẳm Thinh, chùa Phố cũ… để phát triển du lịch tâm linh. Các lễ hội lồng tồng truyền thống nổi bật như: Hội Lồng tồng Ba Bể, Hội truyền thống Xuân Dương (Na Rì), Lễ hội Mù Là (Pác Nặm)… có khả năng phát triển du lịch văn hóa, lễ hội.


Hầu hết những tiềm năng, thế mạnh kể trên của tỉnh Bắc Kạn đều nằm ở khu vực nông thôn. Đây là lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.


Còn mang tính tự phát


Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh, song hiện nay, Bắc Kạn chưa có điểm du lịch cộng đồng được công nhận. Các hoạt động du lịch cộng đồng chủ yếu mang tính tự phát. Đơn cử như, tại Khu du lịch hồ Ba Bể, đến hết năm 2020 mặc dù đã có khoảng 60 hộ gia đình đăng ký làm dịch vụ du lịch Homestay, tập trung ở các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, xã Nam Mẫu và xã Khang Ninh, nhưng hình thức hoạt động chủ yếu chỉ là thăm quan thắng cảnh hồ Ba Bể và một số hang động trong khu du lịch, mức độ tham gia của cộng đồng vẫn chỉ ở mức cung cấp một phần các dịch vụ lưu trú. Tại những nơi này chưa có các hoạt động trải nghiệm, mua sắm, vui chơi giải trí thực sự để cho du khách giao lưu tìm hiểu, trải nghiệm từ cộng đồng; chưa tự tổ chức, tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và lập trình cho các tuyến, tour, chương trình du lịch bản địa. Những sản phẩm thủ công truyền thống do người dân bản địa sản xuất chưa đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, chất lượng chưa cao…



Hình thức hoạt động của các Homestay tại Khu du lịch Ba Bể vẫn chủ yếu là dịch vụ lưu trú (Ảnh: Homestay Hùng Đặng tại thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể)


Trên địa bàn tỉnh, nhìn chung, hệ thống cơ sở vật chất phụ trợ cho hoạt động du lịch tại các thôn, bản có tiềm năng du lịch chưa được đầu tư, còn thiếu các công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi giải trí của khách du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cộng đồng còn thiếu đồng bộ, không phát huy hết giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc để tạo thành các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ.


Đặc biệt, nguồn lực lao động tham gia hoạt động du lịch của Bắc Kạn còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ lẫn trình độ ngoại ngữ nên chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của du lịch, cộng thêm ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cũng như giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của một bộ phận người dân bản địa chưa cao…


Tập trung nguồn lực để phát triển


Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XII đã xác định, trong giai đoạn 2020-2025, Bắc Kạn tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương và bảo vệ tài nguyên môi trường. Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tiếp theo, Bắc Kạn sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.


Theo đó, song song với đẩy mạnh xúc tiến, kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến, tỉnh sẽ nghiên cứu, thực hiện những chính sách riêng để hỗ trợ bảo tồn văn hóa truyền thống vùng nông thôn; hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch tại khu vực nông thôn có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, xây dựng những tiêu chí để phân loại và lựa chọn các địa phương có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng phù hợp, có những sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc thù của từng vùng quê, có tính hấp dẫn cao đối với du khách hoặc ở những vùng khác không có để quy hoạch chi tiết, đầu tư phát triển theo định hướng thị trường lâu dài, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.


Cùng với đó, xây dựng cơ chế phân chia lợi ích trong việc phát triển du lịch cộng đồng giữa cộng đồng dân cư địa phương, chính quyền các cấp và doanh nghiệp trên nguyên tắc các bên cùng có lợi trong sự nghiệp phát triển du lịch bền vững. Qua đây, người dân ở nông thôn có thể thật sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mình, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa cung ứng dịch vụ để tăng thêm thu nhập gắn với việc bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống.



Khuyến khích người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa cung ứng dịch vụ du lịch (Ảnh: Du khách tham gia trải nghiệm hoạt động sản xuất cùng người dân tại xã Khang Ninh, huyện Ba Bể)


Đối với phát triển nguồn nhân lực du lịch, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ thực hiện Chương trình bảo tồn các làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm cộng đồng vùng dân tộc thiểu số có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch… Qua đó, nâng cao được chất lượng, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP để tăng nguồn thu từ du lịch cho người dân./.


Thu Cúc