Bắc Kạn: Pác Nặm quan tâm phát triển sản phẩm OCOP

Xác định phát triển sản phẩm OCOP dựa vào lợi thế của địa phương giúp người dân nâng cao thu nhập và mở rộng thị trường, huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) đã chú trọng triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn.


Đại biểu tham quan khu vực trưng bày các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản của huyện Pác Nặm

Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương phát triển sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, tạo cơ hội để người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững. Những năm đầu triển khai Chương trình, Pác Nặm là địa phương chưa có nhiều sản phẩm OCOP so với các huyện khác trong tỉnh. Năm 2019, huyện có 4 sản phẩm được công nhận, đến năm 2022 phát triển lên 9 sản phẩm. Đến nay, huyện có 11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, gồm: Gạo Nhật J02 Giáo Hiệu; Rượu gạo men lá Xuân La; Trà mướp đắng rừng Giáo Hiệu; Trà bí đao Giáo Hiệu; Trà bí đao Giáo Hiệu – Trà túi lọc; Bột nghệ nếp Giáo Hiệu; Rượu ngô men lá Bầy Thấm; Thịt trâu treo gác bếp; Thịt lợn treo gác bếp; Lạp sườn; Xúc xích lợn bản địa. Một số sản phẩm OCOP được công nhận đã có hiệu quả nhất định như Rượu ngô men lá Bầy Thấm, Trà bí đao, Trà túi lọc, Bột Nghệ nếp, Trà mướp đắng rừng… được người tiêu dùng đón nhận.

Từ năm 2022, được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện tuyên truyền về Chương trình OCOP, gia đình chị Cà Thị Bầy, ở thôn Cọn Luông, xã Xuân La đã đăng ký tham gia với sản phẩm Rượu ngô men lá. Các quy trình, thủ tục được gia đình hoàn thiện theo đúng quy định, đáp ứng tiêu chuẩn và được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Từ khi sản phẩm Rượu ngô men lá Bầy Thấm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, cơ sở được huyện hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký kinh doanh, thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu… nhờ đó, nhiều khách hàng biết đến sản phẩm, thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó; rượu ngô được vận chuyển đi nhiều tỉnh thành trong nước. Năm 2022, cơ sở bán ra thị trường trên 2.000 lít rượu, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 100 triệu đồng. Tiếp tục mở rộng sản xuất, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ sở đã sản xuất và tiêu thụ được khoảng 20.000 lít rượu, doanh thu ước đạt 600 triệu đồng.

Tại Hợp tác xã Giáo Hiệu, thôn Nà Hin, xã Giáo Hiệu hiện có 5 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là: Trà bí đao Giáo Hiệu; Trà bí đao Giáo Hiệu – Trà túi lọc; Bột nghệ nếp Giáo Hiệu; Trà mướp đắng rừng Giáo Hiệu và Gạo Gạo Nhật J02 Giáo Hiệu. Từ năm 2022, Hợp tác xã được hỗ trợ gần 950 triệu đồng, trong đó Hợp tác xã đối ứng hơn 540 triệu đồng để thực hiện dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ trên địa bàn các xã trong huyện. Hợp tác xã đã mở rộng vùng sản xuất và liên kết với 180 hộ sản xuất, tạo thu nhập cho nhiều hộ dân. Các sản phẩm được công nhận đã dần có chỗ đứng trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP của địa phương đến với thị trường trong và ngoài tỉnh nhiều hơn nữa, huyện Pác Nặm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân từ sản xuất truyền thống sang công nghệ hiện đại, áp dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm an toàn theo quy định, tạo thương hiệu riêng để sản phẩm OCOP của huyện vươn ra thị trường.

Thời gian tới, huyện Pác Nặm tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì phát triển các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP để tập trung phát triển thành hàng hóa, hướng tới xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng theo Chương trình OCOP và hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ… Những hoạt động này nhằm phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương đảm bảo sức cạnh tranh, vươn ra thị trường, giúp người dân trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao thu nhập để giảm nghèo bền vững và tiến tới làm giàu./.

Hương Lan
Cổng TTĐT tỉnh Bắc Kạn – backan.gov.vn