Kết quả bước đầu
Những năm gần đây, Bắc Giang đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch cộng đồng. Bên cạnh việc duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, các mô hình đang chuyển đổi theo hình thức tích hợp đa giá trị. Đây đang được xem là hướng đi đột phá, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Các mô hình gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái cộng đồng ở Bắc Giang được Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao.
Điển hình như mô hình của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp và Thương mại du lịch sinh thái Giáp Sơn (Giáp Sơn, Lục Ngạn). Ngoài việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật giúp tăng năng suất, chất lượng, xây dựng và củng cố thương hiệu vải thiều, HTX còn thường xuyên phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức các sự kiện nhằm thu hút du khách đến tham quan trải nhiệm, như phối hợp Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm (Hà Nội) tổ chức trình diễn thời trang trong vườn vải thiều của gia đình ông Trần Văn Hành, thôn Chão, xã Giáp Sơn. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn lượt người tham dự, đồng thời đây được xem là mô hình “đưa chợ về vườn” đối với đặc sản vải thiều Lục Ngạn.
Đến đây, du khách có thể giao lưu văn hóa, văn nghệ và nghỉ lại qua đêm nếu có nhu cầu. Không dừng lại ở đó, tại đây còn có điểm trưng bày, bán mật ong, giấm vải… để khách có thể mua làm quà biếu. Nếu du khách đến vào mùa vải ra hoa, sẽ được cắm trại tại thung lũng hoa vải tuyệt đẹp và trải nghiệm công đoạn quay mật ong hoa vải. Đặc biệt, bán vải thiều nguyên cây là hình thức bán hàng từng được gia đình ông Hành áp dụng, thu hút khách du lịch đến vườn để gia tăng giá trị cây vải. Mùa vải 2023, gia đình ông Hành bán được 10 cây vải thiều, với giá 10-10,5 triệu đồng/cây.
Trong dịp thăm mô hình của HTX, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, làm du lịch miệt vườn giúp thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân, mang sự năng động, văn minh của đô thị về với làng quê và ngược lại sẽ giúp du khách được trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên, tạo ra nhiều cảm xúc ý nghĩa. Bắc Giang cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mùa vải thiều, góp phần quảng bá và phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của tỉnh. Phát triển du lịch nông thôn mới, du lịch nông nghiệp, du lịch vườn là cách đưa chợ về vườn thay vì phải mang sản phẩm ra chợ.
Những năm qua, Bắc Giang có nhiều mô hình gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái cộng đồng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Tiếp đến là mô hình liên kết sản xuất, chế biến chè xanh Bản Ven gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng, giáo dục trải nghiệm của HTX Thân Trường (Yên Thế), nhằm khôi phục, bảo tồn những nét đẹp nghề truyền thống, văn hóa dân tộc, ẩm thực dân tộc của người dân tộc thiểu số và đưa cây chè – sản phẩm văn hóa hướng tới là sản phẩm của du lịch Bản Ven Bắc Giang. HTX đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng 7 nhà sàn cộng đồng, 3 khu chức năng, vườn và xưởng sản xuất chè cùng nhiều hạ tầng thiết yếu khác. Hiện HTX có thể đón 1.500 khách/ngày (phục vụ ăn trưa) và 500 khách lưu trú qua đêm.
Theo chị Lý Thị Hợi, Giám đốc HTX Thân Trường, trước đây, các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, thiên về số lượng, giá thành thấp, từ khi HTX làm nhãn hiệu chè xanh bản Ven, các hộ dân được hưởng từ nhãn hiệu, giá bán của sản phẩm tăng 30-50%. Khi phát triển du lịch, đường giao thông được đầu tư xây dựng, cảnh quan môi trường được chỉnh trang đẹp hơn, các gia đình đều sửa sang nhà cửa để thu hút du khách. Phát triển du lịch, người dân có thêm khoản thu từ khách đến thăm và trực tiếp hái chè, có thêm nguồn thu khi biểu diễn văn nghệ phục vụ khách…
Giải pháp gỡ khó
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái ở Bắc Giang vẫn còn nhiều hạn chế, như: mô hình sản xuất còn ít, quy mô còn nhỏ; nhiều nông dân vẫn chưa đầu tư vào công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số; các chương trình khuyến nông gắn với du lịch sinh thái cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tình trạng thiếu, yếu về nhân lực, dịch vụ, thiếu sáng tạo trong thiết kế. Hay các trang trại gặp không ít khó khăn về vốn và vấn đề pháp lý.
Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp đã được tỉnh Bắc Giang đưa ra: Tăng cường hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với các cơ quan liên quan để xây dựng và quảng bá thương hiệu “Travel Shopping” cho sản phẩm nông nghiệp du lịch. Thúc đẩy việc hoàn thiện quy hoạch du lịch cho các vùng đất nông nghiệp được phép làm du lịch, từ đó tận dụng tài nguyên cho phát triển du lịch và nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho sự kết hợp và tương tác giữa hai ngành.
Đào tạo, nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp cho người dân địa phương. Khuyến khích việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại các điểm du lịch, bao gồm trang trại, vườn cây, khu chế biến nông sản địa phương. Xây dựng định hướng phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch nông thôn. Thúc đẩy liên kết nông thôn – đô thị trong phát triển du lịch, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn ở những nơi có lợi thế về tài nguyên, kết nối với các khu vực động lực phát triển du lịch, trung tâm du lịch. Các địa phương có tiềm năng du lịch xây dựng đề án, chương trình hoặc kế hoạch phát triển du lịch.
Nhiều vườn bưởi trĩu quả ở Lục Ngạn được chủ nhà chỉnh trang thu hút du khách tới thăm quan, thu mua, tiêu thụ tại vườn.
Xây dựng các mô hình nông nghiệp với mục tiêu tập trung vào nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp và kết hợp nông nghiệp với các dịch vụ (như du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ kinh doanh nông sản…). Ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng…
Cùng với đó, cần đổi mới và đa dạng hóa các kênh thông tin và truyền thông khuyến nông bằng cách áp dụng công nghệ thông tin, như: sử dụng mạng xã hội Facebook, nhóm Zalo, Tiktok, Instagram… Điều này sẽ giúp hiện đại hóa công việc khuyến nông và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.
Ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang, cho biết, Trung tâm sẽ triển khai các chương trình khuyến nông đa dạng, xây dựng các mô hình có quy mô lớn và tập trung hơn. Đồng thời, với tầm nhìn “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, Trung tâm sẽ hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng cường liên kết và phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đa giá trị. Trong đó, sẽ tập trung vào việc xây dựng các mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại vùng nông thôn.
Hoàng Văn
Tạp chí điện tử Kinh tế nông thôn – kinhtenongthon.vn