Đầu tư bao bì tương xứng với chất lượng
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn) nổi tiếng với sản phẩm mỳ sạch, tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu. Hiện HTX đang có 10 dòng sản phẩm, ngoài mỳ trắng truyền thống, còn có mỳ Chũ Green Thuận Hương, bún, mỳ gạo rau củ ngũ sắc (mỳ gạo lứt, mỳ nghệ, mỳ gấc, mỳ hoa đậu biếc, mỳ củ dền đỏ, mỳ chùm ngây…).
Công nhân HTX Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn (Lục Nam) đóng gói trà hoa vàng |
Thời kỳ mới sản xuất, sản phẩm của HTX đóng trong túi ni-lông, chưa có tem nhãn, chủ yếu tiêu thụ cho khách quen trong huyện. Năm 2019, sau khi được công nhận OCOP 3 sao, cùng với chú trọng nâng cao chất lượng, đơn vị quan tâm cải tiến mẫu mã sản phẩm. Nhiều mặt hàng của HTX còn in song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) trên bao bì.
Bà Đào Thị Hương, Giám đốc HTX cho hay: “Xác định phát triển lâu dài cần xây dựng được thương hiệu, nét đặc sắc riêng, 5 năm qua, đơn vị đã chi khoảng 500 triệu đồng cho việc đổi mới, nâng cấp bao bì sản phẩm”. Bao bì sản phẩm của HTX theo đó ngày càng bắt mắt, tinh tế, hiện đại, đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng; có mã vạch, mã QR tra cứu rõ nét…
Năm 2019, Bắc Giang bắt đầu triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm và là một trong 6 tỉnh đầu tiên của cả nước xây dựng được dự án. Đến nay, toàn tỉnh có 290 sản phẩm đạt OCOP, trong đó 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được T.Ư đánh giá, 26 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao. |
Nhờ vậy, sản phẩm mỳ của HTX không chỉ tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước. Năm 2023, HTX tiêu thụ khoảng 400 tấn hàng, trong đó xuất khẩu khoảng 60 tấn sang các thị trường Nhật Bản, Anh, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc… Theo đó, trừ chi phí, trung bình mỗi năm HTX thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Năm 2019, Bắc Giang triển khai chương trình OCOP và là một trong 6 tỉnh đầu tiên của cả nước sớm xây dựng dự án. Theo ông Đỗ Văn Huy, Trưởng Phòng Kinh tế hợp tác – Nông nghiệp nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn), sau 5 năm, toàn tỉnh có 290 sản phẩm đạt OCOP, trong đó 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao.
So với trước đây thì nhận thức của nhiều chủ thể đã thay đổi, quan tâm nhiều hơn đến xu hướng phát triển của thị trường, đầu tư cho sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của địa phương bằng những chiếc “áo” đẹp, độc đáo, bắt mắt có gắn sao OCOP.
Sản phẩm vải thiều sấy khô Hằng Hiếu được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao |
Qua các chương trình hội chợ, triển lãm cho thấy, các sản phẩm uy tín được công nhận đạt chuẩn OCOP có mẫu mã, hình thức đẹp, thiết kế tinh tế, chuyên nghiệp thể hiện được nét riêng của từng thương hiệu luôn được khách hàng ưu tiên đặt mua. Đơn cử như sản phẩm vải thiều sấy khô của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hằng Hiếu; trà đinh lăng, cà gai leo túi lọc của HTX Hằng Anh, xã Hương Vĩ (Yên Thế)… Đây cũng là cơ hội để các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở những thị trường lớn.
Cần tuân thủ quy định
Tuy vậy, bên cạnh các chủ thể quan tâm cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, qua giám sát của cơ quan chuyên môn, vẫn còn nhiều bao bì sản phẩm ghi không đầy đủ, sai thông tin so với quy định tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa. Không ít bao bì sản phẩm chưa có sự đầu tư thỏa đáng, thiết kế sơ sài đơn giản, thiếu chuyên nghiệp…
Người dân tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP tại hội thảo giới thiệu sâm nam núi Dành tổ chức tại huyện Tân Yên |
Nguyên nhân một phần do nhận thức của chủ thể chưa thực sự quan tâm đến việc thiết kế mẫu mã xứng tầm với chất lượng sản phẩm, hiểu biết về quy định pháp luật chưa đầy đủ. Nhiều chủ thể là HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ sản xuất gặp khó khăn về vốn đầu tư. Mặt khác, tại Bắc Giang, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho sản phẩm OCOP chưa phát triển, đa số sản phẩm có mẫu mã đẹp, chuyên nghiệp là do chủ thể thuê thiết kế và in tại Hà Nội.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm 5 sao; hơn 130 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Để đạt mục tiêu này và không ngừng nâng chất lượng cho sản phẩm OCOP, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ 50% chi phí cho các chủ thể đầu tư bao bì, nhãn hiệu. Đơn cử như trong năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách các sản phẩm được hỗ trợ làm mới mẫu mã, bao bì và đăng ký nhãn hiệu với tổng kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng.
Anh Lương Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Nấm dược liệu Adenco, xã Dương Đức (Lạng Giang) cho biết: “Được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí, năm ngoái, chúng tôi nâng cấp bao bì đóng gói sản phẩm đông trùng hạ thảo Adenco dưới dạng hộp quà sang trọng, lịch sự. Sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao và đang bán chạy trên các sàn thương mại điện tử toàn quốc”. Năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ các chủ thể làm bao bì, in tem sản phẩm khi tham gia chương trình OCOP năm 2024 với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Mỗi sản phẩm được hỗ trợ 50% kinh phí, còn lại chủ thể sản xuất đối ứng.
Với mục tiêu nâng giá trị, thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo các chủ thể thực hiện nghiêm quy chế đối với sản phẩm OCOP do UBND tỉnh ban hành. Quan tâm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Khi thiết kế, làm bao bì cần lựa chọn chất liệu an toàn, thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc tính của sản phẩm.
Tiếp tục thực hiện chuẩn hóa về chất lượng, mẫu mã, thông tin sản phẩm. Khi thực hiện việc thay đổi bao bì, nhãn mác, kiểu dáng cần báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT để kiểm tra, xác nhận. UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tem OCOP, đồng thời tham mưu UBND tỉnh xem xét thu hồi với các trường hợp cố tình vi phạm.
Bài, ảnh: Hải Vân
Báo Bắc Giang – baobacgiang.vn