Bắc Giang: Tân Yên chú trọng phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đã dần phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.


Vải sớm Phúc Hòa là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Tân Yên, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Tập trung phát triển nông sản chủ lực

Thực hiện Chương trình OCOP, những năm qua, huyện Tân Yên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo các nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng địa phương nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng sẵn có. Huyện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, từng bước quản lý và xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản chủ lực, nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, giúp ổn định vùng nguyên liệu và tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng.

Theo kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, huyện phấn đấu có ít nhất 20 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên và có ít nhất 1 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đến nay, huyện đã xây dựng được 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Vừa qua, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Tân Yên tổ chức họp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Tân Yên đợt 1/năm 2024. Theo đó, đã có 14 sản phẩm tham dự đánh giá xếp hạng, đạt 50% kế hoạch năm.

Tân Yên phát triển vùng sản xuất sâm Nam núi Dành. 

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, các sản phẩm được công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP đã tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, giúp thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp của người dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP cũng giúp các chủ thể tự nhìn nhận, đánh giá chất lượng các sản phẩm của mình, từ đó tìm giải pháp nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hướng đến phát triển bền vững.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, thời gian qua huyện Tân Yên cũng chú trọng quan tâm xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu. Hiện toàn huyện có 9 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, 9/9 sản phẩm đã có bao bì sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất như: Vải sớm Phúc Hòa, lợn sạch Tân Yên, mỳ gạo Châu Sơn, vú sữa Tân Yên, ổi lê Tân Yên, hành tía Liên Chung, sâm Nam núi Dành, măng lục trúc Ngọc Châu… Ngoài ra, một số sản phẩm OCOP của huyện đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan…

Nói về hiệu quả kinh tế, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên Nguyễn Thị Nguyệt cho biết thêm, Chương trình OCOP được triển khai tích cực, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Những năm qua, giá trị sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP chiếm trên 75% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của địa phương.

Huyện Tân Yên tích cực hỗ trợ các chủ thể giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP.

Chính quyền đồng hành cùng các chủ thể

Xác định đúng hướng đi cho sản phẩm nông sản địa phương, tiếp tục khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm tham gia chương trình OCOP, huyện Tân Yên triển khai chính sách hỗ trợ đối với các chủ thể có sản phẩm tham gia đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên. Trong đó, huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/sản phẩm đối với sản phẩm OCOP đạt 3 sao; hỗ trợ 15 triệu đồng/sản phẩm với sản phẩm OCOP đạt 4 sao và hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm đối với sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ 100% chi phí cho chủ thể tham gia chương trình OCOP để kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm theo yêu cầu nhưng không quá 10 triệu đồng/sản phẩm. Hỗ trợ 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/chủ thể/lần tham gia. Hỗ trợ 100% kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP, gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của huyện.

Ngoài ra, huyện cũng tổ chức đi thăm, mời gọi các doanh nghiệp vào địa bàn liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, có các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp vào địa bàn thuê đất, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nhờ đó, các sản phẩm được hoàn thiện hơn về nhãn mác, quan tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc… tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể khi tham gia vào các chuỗi sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu, bảo đảm phát triển bền vững.

Ngoài các giải pháp hỗ trợ về kinh tế, UBND huyện còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn rà soát, cập nhật, chỉnh sửa bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Đồng thời phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Bưu điện huyện, Hội khoa học đất Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn cho 100% cán bộ nông nghiệp cấp xã và các chủ thể OCOP với nhiều nội dung đa dạng như: Kỹ năng kinh doanh trực tuyến và kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử; đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; quản lý dữ liệu nông nghiệp trên hệ thống phần mềm chuyên ngành… nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp đối với sản phẩm đặc sản địa phương./.

Nguyễn Miền
Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang – bacgiang.gov.vn