Bắc Giang: Sơn Động phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025

Sau 01 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 132/KH-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang về triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2023-2025, du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Sơn Động có bước chuyển biến tích cực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.


Du khách khám phá, trải nghiệm hệ sinh thái rừng nguyên sinh Khe Rỗ.

Phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Sơn Động là một huyện miền núi, với lợi thế có nhiều thắng cảnh đẹp và những di tích lịch sử văn hóa có giá trị đặc sắc. Đảng bộ và Nhân dân Sơn Động đã và đang từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế để từng bước phát triển du lịch, đưa du lịch thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Qua đó, phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn, đồng thời đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn để tăng thu nhập của người dân.

Thời gian qua, huyện Sơn Động tập trung cao triển khai, tổ chức thực hiện quy hoạch, nâng cấp đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng vùng miền; xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Trong đó, huyện chú trọng tổ chức thực hiện quy hoạch, thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường hướng tới phát triển du lịch. Đồng thời thực hiện cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm. Hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn các hộ nông dân nông thôn xây dựng sản phẩm OCOP, đạt chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường phục vụ khách du lịch. Đến nay, toàn huyện đã có 07 sản phẩm đăng ký và được Cục sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu: Mật ong rừng Sơn Động, Rượu Men lá Như Bảo, Rượu Men lá Tây Yên Tử, Nấm Lim xanh Sơn Động, Miến dong Sơn Động, Cam Xoàn, Hương Bồng Am.

Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống.

Định hướng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng thị trường và phù hợp với thị trường, đối tượng khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm. Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, các lễ hội, loại hình biểu diễn văn nghệ, thể thao; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống.

Bên cạnh đó, xây dựng mô hình phát triển du lịch nông thôn theo loại hình như: Du lịch sinh thái cộng đồng, nông nghiệp nông thôn, gắn với bảo tồn thiên nhiên, làng nghề. Thành lập 06 HTX du lịch cộng đồng gắn với các điểm có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền trên địa bàn huyện như: HTX du lịch cộng đồng thôn Gà (Nà Hin) xã Vân Sơn, gắn với sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái Đồng Cao; HTX du lịch cộng đồng thôn Nà Ó và HTX nông nghiệp du lịch cộng đồng thôn Biểng, xã An Lạc gắn với sản phẩm du lịch rừng sinh thái Khe Rỗ; Hợp tác du lịch cộng đồng Bản Mậu; Hợp tác du lịch cộng đồng Thanh Chung và Hợp tác du lịch cộng đồng Mậu – Ba Tia gắn với sản phẩm du lịch Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử và sản phẩm du lịch núi Mục – Thác Ba Tia.

Lớp truyền dạy vũ điệu Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay (hay còn gọi là Cao Lan) cho học sinh.

Ngoài ra, huyện cũng tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn; hướng dẫn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.

Cùng với đó, xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn. Thực hiện liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện NTM có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch; tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh Bắc Giang tại các sự kiện của địa phương, của tỉnh nhằm giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm, tại gian hàng trong thời gian diễn ra sự kiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng và lợi thế, huyện Sơn Động phải đối mặt với không ít khó khăn trong phát triển du lịch như địa bàn huyện rộng, phân bố phức tạp, chia cắt thành nhiều khu vực; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch ở các địa phương còn hạn chế; các hộ gia đình dân tộc tại một số khu điểm du lịch còn nghèo, khó khăn.

Các điểm du lịch cộng đồng chưa được đầu tư; các hộ chưa tự đầu tư nên các HTX chưa đi vào hoạt động thường xuyên, lượng du khách đến lưu trú và trải nghiệm trong cộng đồng vẫn còn ít, chủ yếu đi trải nghiệm trong ngày. Các phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người còn tồn tại trong cộng đồng, nhưng đã mai một và không còn nguyên bản. Các làng, bản sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; các sản phẩm đặc sản chưa phát huy được thế mạnh, thương hiệu.

Tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn, phát triển nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới lưu giữ bản sắc văn hóa bản địa là điểm nhấn cho phát triển du lịch

Để Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025 hiệu quả thiết thực, huyện Sơn Động tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phát triển du lịch nông thôn. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn.

Tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn, tuyên truyền, vận động, cộng đồng Nhân dân lưu giữ, truyền dạy bản sắc văn hóa bản địa, trở thành cầu lối, điểm nhấn cho phát triển du lịch. Bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn. Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các văn bản của tỉnh, của huyện về phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí hằng năm để tu bổ, bảo tồn di sản, di tích theo lịch sử – văn hóa trên địa bàn huyện, giai đoạn 2020-2025. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030. Hỗ trợ cho các HTX xây dựng, khôi phục, sân khấu hóa một số hoạt động văn hóa bản địa thành sản phẩm phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng.

Bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể như xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng được đánh giá tiêu biểu ở địa phương. Duy trì và phát huy có hiệu quả hoạt động của đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật sẵn sàng tập trung phục vụ khách du lịch khi có nhu cầu.

Tổ chức có hiệu quả hoạt động của các HTX du lịch cộng đồng, xây dựng cảnh quan, môi trường, khôi phục sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hiện đại. Thành lập, duy trì các câu lạc bộ (CLB) thêu thổ cẩm, mây tre đan, truyền dạy chữ viết dân tộc, các CLB văn nghệ, nghề gia truyền thuốc tắm người Dao, nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm đồ lưu niệm sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất thành hàng hóa mang tính đặc trưng phục vụ khách du lịch.

Xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến và phát triển thương hiệu thông qua các phương tiện truyền thông với nhiều hình thức phù hợp với từng thị trường khách. Tham gia các hội thảo, hội chợ văn hóa – du lịch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch huyện Sơn Động được tham gia, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng tiếp cận thị trường. Tổ chức tốt các lễ hội, các hội chợ, liên hoan ẩm thực trên địa bàn huyện… nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống vùng, miền đến với du khách./.

Dương Thủy
Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang – bacgiang.gov.vn