Ngôi làng nhỏ Vi Rơ Ngheo lọt thỏm giữa núi rừng hoang sơ và tách biệt với những ngôi làng khác
Từ thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đi về phía Tây Bắc tầm 40 km theo tỉnh lộ 676 đến cầu Măng Bút, sau đó rẽ vào đường liên thôn 7,5 km nữa là đến làng Vi Rơ Ngheo, ngôi làng nhỏ lọt thỏm giữa núi rừng hoang sơ và tách biệt với những ngôi làng khác.
Vi Rơ Ngheo theo tiếng Xơ Đăng có nghĩa là một vùng đất có khí hậu lạnh, đây cũng là tên một con suối chảy qua làng. Làng Vi Rơ Ngheo hiện có 63 hộ, hơn 300 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Xơ Đăng. Giữa làng có ngôi nhà rông bề thế, chiều cao tầm 20 m, đây là nơi diễn ra các lễ hội dân gian truyền thống, nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống: Cồng, chiêng, trống, vũ khí… và cũng là nơi tiếp đón khánh quý đến thăm làng. Người dân ở đây xem nhà rông như là biểu tượng về văn hóa, linh hồn của làng, thể hiện sự gắn kết cộng đồng với nhau và giữa dân làng với thần linh. Xung quanh nhà rông là những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn, ven làng và trên cánh đồng có những kho lúa được người dân dựng lên để lưu giữ lúa sau mỗi mùa gặt.
Ông A Thôn – Trưởng làng Vi Rơ Ngheo chia sẻ, hiện tại, làng Vi Rơ Ngheo có một đội cồng chiêng và múa xoang với 32 nghệ nhân, 1 bộ cồng chiêng truyền thống và một bộ cồng chiêng cải tiến. Các nghệ nhân vẫn tập luyện và truyền nghề cho nhau qua nhiều thế hệ từ bao đời nay. Cũng như nhiều ngôi làng ở Tây Nguyên, cồng chiêng và múa xoang không thể thiếu trong các dịp lễ hội và sinh hoạt truyền thống ở đây. Người dân làng Vi Rơ Ngheo vẫn còn giữ nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ làm máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ làm chuồng trâu, nhà rông mới, lễ gieo mạ… Ẩm thực của dân làng là các loại rau rừng và thực phẩm tự sản xuất như gà, dê, heo, lúa nếp, gạo rẫy, mì, sâm dây và các loại cá, cua, ốc tự bắt ở suối, rượu cần tự làm. Nghề truyền thống của làng là nghề đan lát từ mây tre và dệt thổ cẩm.
Điều đặc biệt chỉ có ở Vi Rơ Ngheo mà các làng khác không có, đó là gần như nhà nào cũng trồng phong lan. Các loại phong lan ở đây chủ yếu được người dân mang về từ những cánh rừng ở xa và được trồng trong những bọng cây đặt xung quanh nhà, hàng rào hay trước cổng. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân trong làng luôn có ý thức giữ gìn môi trường sống xung quanh sạch đẹp. Ở các ngã ba, ngã tư trong làng đều có sọt đựng rác được làm từ những cây lồ ô lớn, người dân ở đây không xả rác ra rừng, ra sông, suối, ra đường. Nhà nào cũng có nơi để rác sinh hoạt hàng ngày.
Với phong cảnh đẹp và phong tục văn hóa đặc biệt, mặc dù mới được đưa vào khai thác du lịch nhưng làng đã thu hút trên 900 khách nội địa, 236 lượt khách quốc tế, 50% lượt khách lưu trú, trong đó có 80% khách Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Văn Bay – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết: Để tạo điều kiện cho làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo phát triển, UBND xã đề xuất UBND huyện bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng, hệ thống nước sạch, điện chiếu sáng, sân thể thao, tập huấn nhân sự làm du lịch. Đồng thời, cũng đã vận động người dân thực hiện lối sống văn minh, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, trồng cây xanh, khuyến khích các hộ dân tham gia làm homestay, phục vụ hoạt động lưu trú, sửa chữa giao thông nội thôn, gìn giữ và phát huy những ngành nghề, phong tục văn hóa truyền thống, trồng lại rừng ở những nơi đã bị phá trước đây…
Ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, công tác xây dựng, phát triển du lịch tại làng Vi Rơ Ngheo đã được huyện phối hợp với xã Đăk Tăng triển khai từ năm 2020. Đến nay, các hạng mục giao thông, địa điểm tham quan, dã ngoại, cơ sở lưu trú, phục vụ ẩm thực, đội nghệ nhân cồng chiêng… cũng đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng phục vụ các hoạt động du lịch tại làng.
Hương Ly – Y Đô
Báo Lâm Đồng online – baolamdong.vn