An Giang: Tiềm năng du lịch làng bè ngã ba sông

Làng bè ngã ba sông Châu Đốc thuộc thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang là một trong những điểm tham quan sông nước thú vị. Du khách đến đây vừa trải nghiệm đời sống sông nước, vừa hiểu thêm về nghề nuôi cá nước ngọt nổi tiếng Đồng bằng sông Cửu Long.
Du khách thích thú cho cá ăn tại Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc.

Buổi tối, từ trên cầu Cồn Tiên nhìn xuống, làng bè thật đẹp lúc lên đèn với những bè cá chạy dài bồng bềnh.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh Nguyễn Trung Hiếu cho biết, làng bè là địa điểm du lịch độc đáo phát triển trong vài năm trở lại đây.

Du khách sau khi tham quan Khu du lịch quốc gia Châu Đốc có thể lên tàu đến làng bè trải nghiệm sông nước vùng biên thùy yên bình, ngã ba sông thơ mộng, trên những bè cá mát rượi gió trời…

Anh Nguyễn Hữu Nghĩa hơn nửa đời sống trên bè cá, tâm sự, làng bè đã hơn 60 năm tuổi và nổi danh khắp nơi nhờ con cá ba sa. Đó là loài cá có bụng to nhiều mỡ như đang mang bầu cho nên người ta còn gọi là “cá bụng”.

Chúng thích sống ở nơi nước chảy mạnh như sông Châu Đốc. Tía tôi và rất nhiều người giàu lên từ loài cá này. Lúc ấy làng đông nghịt cả ngàn bè, nhìn như phố nổi trên sông.

Vào mùa cá giống hay bán cá thịt vui lắm, ghe tàu tới cân nườm nượp. Người nuôi nhiều, cá giống ba sa thiếu cho nên cạnh tranh quyết liệt từ các thợ câu, thợ lưới khi nước nổi về mang theo luồng cá giống dồi dào”, anh Nghĩa kể.

Lúc đầu, cá ba sa tiêu thụ trong nước; nhưng từ năm 1980 xuất khẩu sang Australia, Hồng Công (Trung Quốc), Pháp, Singapore, châu Âu và Mỹ. Cá ba sa là cá da trơn mở đầu xuất khẩu nhưng theo thời gian phải nhường chỗ cho cá tra.

Nghề nuôi cá ba sa cũng theo đó vơi dần, từ vài ngàn bè chỉ còn lại vài trăm cái. Để tồn tại, những thế hệ đời sau như anh Nghĩa nuôi đại trà các loại cá như cá he, cá mè hôi, cá ba sa, cá hú… kết hợp làm du lịch.

Bè của anh là bè gỗ hình chữ nhật, bày biện gọn gàng như một căn nhà nổi có phòng khách, nhà bếp, các chậu hoa trưng bày. Trên bè người ở, tầng dưới sâu 4m nước nuôi cá các loại.

Khi anh Nghĩa thả mồi, lũ cá rộ lên khỏi mặt nước tranh nhau đớp, nhiều du khách thích thú tự tay ném thức ăn cho cá. Khách có nhu cầu, chủ bè sẽ bắt cá lên, chế biến, phục vụ tại chỗ.

Ngoài ra, trên bè còn khai thác thêm du lịch như buôn bán quà lưu niệm, thổ cẩm Chăm cho du khách. Nhờ thu nhập tăng, người dân duy trì được nghề nuôi cá bè.

Chị Châu Ngọc Uyên đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi cùng đoàn khách tham quan làng bè cá khu vực ngã ba sông, chị được trải nghiệm lý thú về đời sống trên sông, hiểu thêm về các loài cá nước ngọt, biết thêm gốc tích cá ba sa cùng cuộc sống làng bè nhìn tưởng nhàn hạ nhưng phía sau là bao sự nhọc nhằn.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Nguyễn Trung Hiếu, trong quý I/2024, tỉnh triển khai thí điểm Làng bè sắc mầu ngã ba sông Châu Đốc với việc sơn 165 bè, vèo cá theo từng cụm mầu: Đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím. Sự mới lạ, độc đáo của những dãy sắc mầu góp phần hấp dẫn khách du lịch, thu hút nhiều doanh nghiệp đến khảo sát để làm dịch vụ.

Việc khai thác du lịch Làng bè sắc mầu ngã ba sông Châu Đốc là nền tảng để định hướng, xây dựng chiến lược khai thác tiềm năng một cách phù hợp; để phát triển bền vững sản phẩm du lịch này cũng như tạo sự liên kết mạnh mẽ trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng và kinh tế, đời sống người dân địa phương nói chung.

Đề án khai thác du lịch Làng bè sắc mầu ngã ba sông Châu Đốc giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ là cơ sở để vận động các nguồn lực xã hội, người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng, đầu tư và khai thác dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; mang hướng du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Bài và ảnh: Thanh Dũng