Huyện Dầu Tiếng – Bình Dương: Phát triển du lịch tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn

Phát triển du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế đa ngành, xây dựng nông thôn mới, phát huy được tiềm năng, thế mạnh địa phương. Nắm bắt được thực tế này, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) chú trọng phát triển hạ tầng du lịch, triển khai các dự án nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Vườn cây đặc sản măng cụt của hộ ông Huỳnh Văn Hiện (xã Thanh Tuyền) nằm ven suối Cát có tiềm năng để phát triển du lịch

Phát huy sản phẩm thế mạnh

Với điều kiện sẵn có về tự nhiên, văn hóa, lịch sử, danh thắng, những năm qua, huyện Dầu Tiếng đã khai thác, phát triển hoạt động du lịch tại Khu du lịch sinh thái núi Cậu (chùa Thái Sơn – hồ Dầu Tiếng – suối Trúc); Khu du lịch Đọt Champa và các di tích lịch sử, văn hóa khác. Hàng năm, những địa điểm này thu hút nhiều du khách đến tham quan, dã ngoại; đồng thời tạo được nét đặc trưng, ấn tượng riêng của du lịch huyện Dầu Tiếng.

Bên cạnh những sản phẩm du lịch hiện có, huyện Dầu Tiếng nỗ lực khai thác thế mạnh về nông nghiệp để phát triển du lịch nông thôn. Huyện Dầu Tiếng hôm nay không chỉ được phủ xanh bởi những vườn cao su bạt ngàn, vườn chuối cấy mô trải dài mà tận dụng lợi thế ven sông, ven hồ, một số địa phương đã hình thành vùng cây ăn trái có múi, vườn cây đặc sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, cam, quýt, bưởi da xanh tập trung ở các xã phía bắc của huyện như: Minh Thạnh, Minh Hòa, Định An; măng cụt, sầu riêng tại xã Thanh Tuyền, Thanh An.

Xã Thanh Tuyền là vùng chuyên canh cây đặc sản măng cụt của tỉnh. Toàn xã có khoảng 193 ha măng cụt, trong đó có 9 hộ (6,6 ha) được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với điều kiện lý tưởng có vườn cây dọc suối Cát, những hộ dân này kỳ vọng sẽ phát triển mô hình du lịch sinh thái nhằm góp phần quảng bá thương hiệu cho sản phẩm địa phương và nâng cao thu nhập gia đình. Ông Huỳnh Văn Hiện ở ấp suối Cát, xã Thanh Tuyền chia sẻ: “Măng cụt là nguồn thu nhập chính của nông dân nơi đây. Tuy nhiên, giá cả và thị trường đầu ra chưa ổn định. Với dự án phát triển cây măng cụt gắn với du lịch sinh thái, chúng tôi kỳ vọng sẽ quảng bá được sản phẩm địa phương vươn xa hơn. Măng cụt chỉ có 1 mùa vụ, nên để thu hút khách đến tham quan, các hộ dân có thể tận dụng vườn đất trống để trồng loại cây khác có trái quanh năm”.

Tương tự, hộ ông Trần Văn Xộp ở ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa cũng đã tận dụng vị trí ven hồ Dầu Tiếng để trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, nhãn, bưởi da xanh, trong đó bưởi da xanh là chủ lực. Ông Xộp cho biết, hiện xã có 10 hộ trồng cây múi ở ven hồ, là điều kiện để phát triển du lịch sinh thái của xã. Một số hộ được đưa vào kế hoạch phát triển du lịch ven hồ kết hợp tham quan vườn cây của huyện. Bưởi da xanh của gia đình ông Xộp đã đạt sản phẩm OCOP. Gia đình còn sản xuất rượu bưởi nhằm tăng giá trị sản phẩm, thời gian bảo quản được lâu hơn. Đây là yếu tố góp phần phát triển du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao.

Đầu tư hạ tầng du lịch

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, hiện nay việc xây dựng mô hình, sản phẩm du lịch của huyện Dầu Tiếng còn khó khăn, người dân chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng; việc liên kết, xây dựng các tour, tuyến du lịch về huyện Dầu Tiếng còn hạn chế do địa phương chưa có điểm tham quan phù hợp và giữ chân du khách ở lại lâu ngày. Mặt khác, nguồn kinh phí đầu tư về hạ tầng để phát triển du lịch còn hạn chế; công tác vận động xã hội hóa xây dựng các mô hình, điểm du lịch còn khó khăn; chưa có mô hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, khả năng thu hút khách du lịch không cao, thu hồi vốn thấp…

Nói về đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, ông Huỳnh Văn Hiện chia sẻ thêm: “Để các hộ phát triển mô hình du lịch sinh thái, việc xây dựng đường sá, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan. Sau khi đường sá hoàn thiện, lối đi vào vườn dễ dàng thông thoáng, các nhà vườn mới tiến hành các bước tiếp theo như xây dựng, bố trí nơi nghỉ ngơi, ăn uống. Gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn mấy khoảng đất trống trong vườn, sát suối để phát triển du lịch”.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có đưa huyện Dầu Tiếng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thời gian tới, huyện sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, bao gồm đường giao thông, điện, hạ tầng cảnh quan cho các điểm du lịch. Huyện cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch để phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ… Bên cạnh đó, địa phương đó chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

Năm 2023, huyện Dầu Tiếng phấn đấu có khoảng 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch, các di tích lịch sử, vui chơi, giải trí và cắm trại. Trong đó, khách trong tỉnh khoảng 3.000 lượt, ngoài tỉnh là 170.000 lượt; doanh thu phấn đấu đạt từ 2,5 tỷ đồng trở lên. Huyện Dầu Tiếng cũng sẽ cố gắng phát huy có hiệu quả giá trị, tiềm năng di tích danh thắng núi Cậu – lòng hồ Dầu Tiếng, di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn huyện nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho cộng đồng địa phương.

Tiến Hạnh – Tú Bình 

Báo Bình Dương điện tử – baobinhduong.vn