Gắn kết cùng du lịch
Vào một ngày cuối đông, chúng tôi trở lại thăm Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Sử Anh tại phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang. Đây nổi tiếng là cơ sở có nhiều sản phẩm chè được chế biến sạch, rất tốt cho sức khỏe. Những năm qua, HTX Sử Anh không ngừng nghiên cứu nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã và đa dạng sản phẩm. Hiện nay, HTX có 7 sản phẩm đạt OCOP, như: Chè xanh Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn, chè xanh Ngọc Thúy (trà cấp đông), chè xanh Phú Lâm,… trong đó, có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 2 sản phẩm đang làm hồ sơ nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao là chè xanh Ngọc Thúy nõn và chè xanh Ngọc Thúy (trà cấp đông).
Vùng nguyên liệu chè Ngọc Thúy – Tuyên Quang
Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng sản xuất chế biến chè và vùng nguyên liệu, ông Nguyễn Công Sử – Giám đốc HTX cho biết, ngoài việc nghiên cứu, trồng nhiều loại giống chè, HTX còn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời gian này, HTX đang đẩy mạnh sản xuất kịp những đơn hàng đã ký kết và phục vụ nhu cầu của khách tăng cao trong dịp Tết và luôn luôn nghiên cứu cho ra những sản phẩm mới mới, chất lượng để phục vụ người tiêu dùng.
Gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm chè của HTX Nông nghiệp Sử Anh tại Hội chợ Thương mại – Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2022
Năm 2022, HTX đã đầu tư xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP đã đón một số đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan mô hình và mua sắm tại cửa hàng. Bên cạnh đó, HTX cũng triển khai hiệu quả việc kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào các cửa hàng đặc sản, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, sản phẩm bán qua kênh du lịch chiếm trên 30% tổng doanh thu mỗi năm của HTX, ông Sử phấn khởi chia sẻ.
Nâng tầm sản phẩm
Sau 4 năm thực hiện, chương trình OCOP đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống.
Sản phẩm OCOP quà tặng mật ong của HTX chăn nuôi ong Phong Thổ
Chương trình đã tạo ra sự thay đổi về nhận thức của cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc phát triển sản phẩm theo hướng liên kết sản xuất, nâng cao giá trị. Có thể nói rằng, chương trình OCOP là một hướng đi đúng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình OCOP, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các chủ thể kinh tế đầu tư phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với xây dựng, khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, để thu nhập của người nông dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ. Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cũng thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các trang thông tin điện tử do Trung tâm quản lý như: Sàn giao dịch thương mại điện tử, trang du lịch Tuyên Quang, trang Lễ hội Thành Tuyên và phát hành các ấn phẩm, sách giới thiệu về các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang… Tổ chức các đoàn khảo sát nghiên cứu thị trường, kết nối các sản phẩm OCOP của tỉnh với các nhà đầu tư, các siêu thị, cửa hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại, du lịch trong cả nước.
Năm 2022, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức Cuộc thi Thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Tuyên Quang. Kết quả Cuộc thi đã lựa chọn ra được các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch thể hiện được nét đặc trưng riêng của tỉnh Tuyên Quang và phù hợp làm đại diện cho du lịch của tỉnh trong việc quảng bá du lịch đến thị trường trong và ngoài nước, trong đó có các sản phẩm đạt OCOP như: Bộ quà tặng của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, bộ quà tặng của công ty TNHH thảo dược Tuệ Tâm, sản phẩm mật ong của HTX chăn nuôi ong Phong Thổ.
Sản phẩm OCOP Trà đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa
Các sản phẩm nhờ đạt OCOP lại liên kết cùng hoạt động du lịch, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được thương hiệu sản phẩm, nâng cao sản lượng tiêu thụ, doanh thu, mở rộng quy mô sản xuất. Bà Phạm Thị Hồng – Thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát chia sẻ: “Sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa của chúng tôi đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh từ năm 2021. Nhờ đó, sản phẩm đã được người tiêu dùng khắp nơi biết đến và tin tưởng trong việc lựa chọn sử dụng. Cũng vì thế, quy mô sản xuất và sản lượng tiêu thụ của HTX ngày càng tăng. Thị trường hiện nay của công ty là 48 tỉnh thành trong cả nước. Năm 2022, sản lượng tiêu thụ đạt 87.000 hộp/năm, doanh thu đạt 4,7 tỷ đồng, trong đó bán qua kênh du lịch chiếm đến 60%”.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh trên 230 sản phẩm; 138/138 xã, phư ờng, thị trấn có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên… Để đạt được mục tiêu đề ra, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và nhu cầu thị trường; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu sản phẩm OCOP; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chu trình OCOP thường niên; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và triển khai các dự án thành phần trong chương trình OCOP./.
Phạm Hương
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang – dulichtuyenquang.gov.vn