Du khách đi bè nổi tham quan phong cảnh rừng phòng hộ tại điểm du lịch sinh thái Hương Rừng
Định hình các sản phẩm, dịch vụ xanh
Về Bạc Liêu hôm nay, bạn bè gần xa có thêm nhiều sự lựa chọn cho cung đường DL, trong đó các điểm DL sinh thái dọc theo tuyến ven biển là địa chỉ khó bỏ qua. Sau Nông trại Tôm Khỏe, Vườn nhà Tôm, DL sinh thái Hương Rừng, Khu DL Điện gió Hòa Bình 1 (huyện Hòa Bình), thì mới đây Vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải) cũng đã mở cửa đón khách. Vào những dịp lễ hay ngày cuối tuần, các điểm DL sinh thái rừng luôn thu hút đông du khách đến vui chơi, giải trí. Không chỉ tận hưởng không khí trong lành, thỏa sức check-in với cảnh sắc rừng, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động rất thú vị gắn liền với đời sống thường nhật của người dân xứ biển. Nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ tỏ ra thích thú khi được ra vườn thu hoạch rau, lội vuông bắt ốc len, đổ lú thu hoạch tôm, cua và thưởng thức ẩm thực trên bè nổi.
Mới đây, bạn Trần Thanh Thế cùng nhóm bạn đã vượt đoạn đường dài hơn 120km từ TP. Cần Thơ để đến Bạc Liêu, trong đó có ghé qua điểm DL sinh thái Hương Rừng. Dù là người miền Tây, song do sống ở thành thị nên lần đầu các bạn trẻ này được thử cảm giác đánh bắt các loài thủy sản sống dưới tán rừng. “Tôi và các bạn của mình đã có những phút giây thư giãn tuyệt vời khi được hòa mình vào không gian xanh ngát của rừng, đón những làn gió mát từ biển. Đặc biệt là được trải nghiệm công việc thu hoạch rau, thủy sản của người dân ở rừng phòng hộ. Việc ăn các món ăn từ cá, tôm biển cũng rất bình thường nhưng khi tự tay thu hoạch, chế biến và thưởng thức nó tại chỗ thì cảm giác thú vị hơn rất nhiều”, Thanh Thế bày tỏ.
Thời gian qua, Khu DL Điện gió Hòa Bình 1 không còn là công trình công nghiệp đơn thuần mà đã trở thành sản phẩm DL sinh thái. Khu DL đang từng bước hoàn thiện để cung cấp các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí theo hướng cho du khách tận hưởng môi trường DL xanh. Đó là đi xe điện, xe đạp để ngắm cảnh bình minh, hoàng hôn tuyệt đẹp ở cánh đồng điện gió trên biển. Ngoài ra, du khách còn có thể ngồi thuyền đi khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, dựng lều cắm trại trên những thảm cỏ xanh ven biển và thưởng thức các đặc sản của biển như: cá thòi lòi, cá nâu, nghêu, ốc hương, cua…
Ông Trương Hoàng Phương – Giám đốc Công ty TNHH Exotic Việt Nam trong chuyến khảo sát, góp ý cho các sản phẩm DL của Bạc Liêu đã chia sẻ: “So với các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, Khu DL Điện gió Hòa Bình 1 được nhà đầu tư khai thác sâu hơn về dịch vụ DL. Nếu chuỗi dịch vụ vui chơi, trải nghiệm và nghỉ dưỡng tại đây được hình thành thì không khó để du khách lưu lại qua đêm. Đây là điểm nhấn mới về DL sinh thái của tỉnh để các công ty lữ hành quảng bá, chào hàng đến du khách trong thời gian tới”.
Du khách tham quan tại Khu du lịch sinh thái Điện gió Hòa Bình 1. Ảnh: H.T
Phát triển gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Để phát huy tiềm năng và khai thác dư địa của DL sinh thái rừng, Ban Quản lý Rừng đặc dụng – phòng hộ ven biển tỉnh đang xây dựng Đề án DL sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu của Đề án là phát triển DL bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, đảm bảo hài hòa giữa khai thác phát triển DL với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.
Đối tượng, quy mô thực hiện Đề án được xác định tại các khu vực thuộc: Rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu, rừng đặc dụng Vườn chim Lập Điền và rừng phòng hộ ven biển. Theo đó, đơn vị sẽ tiến hành thu thập, đánh giá và phân tích hiện trạng tài nguyên rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ven biển Bạc Liêu; điều tra, thu thập các thông tin liên quan đến vùng thực hiện Đề án như: tình hình sử dụng đất, dân cư, phong tục tập quán canh tác, hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, phòng cháy – chữa cháy rừng và vệ sinh môi trường), các giá trị về cảnh quan, lịch sử và văn hóa có thể khai thác phục vụ phát triển DL sinh thái. Ngoài ra, khảo sát để dự báo tác động môi trường của các công trình DL về chỉ tiêu xói mòn, khả năng giữ đất, giữ nước, ô nhiễm đất, nước…
Cán bộ Ban Quản lý Rừng đặc dụng – phòng hộ ven biển tỉnh tuyên truyền cho người dân các quy định pháp luật về bảo vệ, khai thác rừng phòng hộ
Trên cơ sở hiện trạng tài nguyên thiên nhiên rừng và các điều kiện khác, Ban Quản lý Rừng đặc dụng – phòng hộ ven biển tỉnh sẽ phối hợp với các bên liên quan (các ngành, chính quyền địa phương, người dân) lập bản đồ các tuyến, điểm tổ chức các hoạt động DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng. Đồng thời, xây dựng các hạng mục như: điểm nuôi động vật bán hoang dã, điểm cứu hộ động vật, công viên chim trong nhà lưới, các chòi dừng chân, điểm trú mưa, chòi vọng cảnh, nhà trưng bày tiêu bản – mẫu vật, phòng giáo dục môi trường, quầy bán quà lưu niệm… để phục vụ du khách.
Theo ông Lê Chí Linh – Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng – phòng hộ ven biển tỉnh, đơn vị sẽ tổ chức họp với các sở, ngành và địa phương liên quan để thẩm định Đề án và trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong thời gian chờ Đề án ban hành, cán bộ Kiểm lâm các xã ven biển sẽ tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về phát triển DL sinh thái trên đất lâm nghiệp, đề nghị người dân không xây dựng các hạng mục mới. Việc xây dựng, triển khai Đề án sẽ tạo “cú hích” phát triển DL sinh thái, làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê môi trường rừng lập dự án đầu tư DL đảm bảo các quy định của Nhà nước, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân và thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Hữu Thọ
Báo Bạc Liêu Online – baobaclieu.vn