Một buổi tập luyện của Đội văn nghệ hát Then, đàn Tính thôn Tha, xã Phương Độ, (thành phố Hà Giang). (Ảnh chụp trước ngày 25/4)
Du lịch nông thôn có thể hiểu là loại hình du lịch tại một vùng nông thôn, mà ở đó có thể cung ứng những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng hoặc các hoạt động nghỉ dưỡng, trải nghiệm cho du khách. Từ đó, tạo sinh kế và lợi ích vật chất cho địa phương. Với những thuận lợi về tài nguyên du lịch, tỉnh đang chú trọng phát triển du lịch nông thôn gắn với cộng đồng; đây cũng là một trong những thế mạnh được ưu tiên phát triển. Hiện nay, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh đang thực hiện với các mô hình sản phẩm cơ bản, như: Mô hình làng văn hóa du lịch tiêu biểu; làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển dược liệu; du lịch cộng đồng theo tiêu chí phân hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Hà Giang đang hướng tới xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN (hiện có 5 hộ tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đã được chứng nhận giải thưởng ASEAN về homestay). Một số mô hình đang được đầu tư theo hướng chất lượng cao, hình thành hệ thống khu nghỉ dưỡng mini gắn với du lịch cộng đồng, như mô hình du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), hay mô hình thu hút đầu tư hình thành tổ hợp dịch vụ du lịch cộng đồng tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc)…
Du khách trải nghiệm thêu trang phục dân tộc Lô Lô tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn). (Ảnh chụp trước ngày 25/4)
Có thể thấy, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của tỉnh là rất lớn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đã được tỉnh công nhận, tiêu biểu như điểm du lịch: Thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang); thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn); thôn Khiềm, xã Quang Minh (Bắc Quang); thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng (Xín Mần)… Trên cơ sở các điểm du lịch đã được công nhận, tỉnh cũng công nhận 5 tuyến du lịch, trong đó có kết nối các sản phẩm du lịch cộng đồng, như: Tuyến du lịch vòng cung phía Tây Hà Giang đi Cao nguyên đá Đồng Văn đến lòng hồ Bắc Mê; tuyến du lịch kết nối 4 huyện Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; tuyến du lịch tâm linh lịch sử “Thăm chiến trường xưa”… Các điểm du lịch nông thôn, cộng đồng sau khi được đầu tư và đi vào hoạt động cơ bản khai thác hiệu quả, thu hút được lượng khách lớn; bình quân năm, các điểm du lịch thu hút từ 2 – 45 nghìn lượt khách. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các làng. Thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ, du lịch tại các làng văn hóa đạt từ 50 – 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng cũng đang đối diện không ít khó khăn, vướng mắc: Cơ sở hạ tầng giao thông còn khó khăn, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch cộng đồng; chất lượng sản phẩm dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là thị trường khách du lịch ở tầm trung và cao cấp. Điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên việc tự đầu tư về cơ sở vật chất, tạo môi trường cảnh quan phục vụ khách du lịch còn hạn chế. Mặt khác, việc gắn kết với hoạt động du lịch không được định hướng từ đầu, do đó không đảm bảo các yếu tố về hạ tầng, cảnh quan, các cơ sở vật chất, kỹ thuật khác để thu hút khách du lịch…
Để tiếp tục phát huy hiệu quả thế mạnh, loại hình du lịch nông thôn, cộng đồng, thiết nghĩ các cơ quan có liên quan cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chương trình, nghị quyết về phát triển du lịch, nhất là Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh khóa XVII về đột phá trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, tập trung, ưu tiên các nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa; xây dựng và củng cố hình thành chuỗi liên kết, cung ứng dịch vụ gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch trong xây dựng Nông thôn mới, xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng cao…
Bài, ảnh: Trần Kế