Sơn La: Mường Chiên (Quỳnh Nhai) giữ nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch

Phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã vận động nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị của các nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập và gìn giữ nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xã Mường Chiên là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Thái trắng. Nơi đây từng là trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai. Sau khi thực hiện chương trình di dân TĐC thủy điện Sơn La và sáp nhập các bản, Mường Chiên chỉ còn 3 bản. Nhân dân trong xã vẫn giữ nguyên bản sắc của vùng đồng bào dân tộc Thái trắng. Trong đó, có các nghề truyền thống được gìn giữ và phát huy trong đời sống hiện đại.

Nghề truyền thống ở Mường Chiên, gồm: dệt thổ cẩm và đan lát. Các sản phẩm được các nghệ nhân và bàn tay khéo léo, sáng tạo của chị em làm ra đều tinh xảo, đẹp mặt. Từ nguyên liệu, chất liệu cho đến hoa văn, hoạ tiết trên sản phẩm đều gắn với núi rừng, làng bản, sông suối.

Phụ nữ bản Quyền, xã Mường Chiên, truyền dạy nghề dệt vải thổ cẩm cho con cháu.

Với suối khoáng nóng, cảnh sắc thiên nhiên, nếp nhà sàn truyền thống, ẩm thực, phong tục, tập quán và văn hóa dân gian đã tạo cho vùng đất này những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Khi địa phương được công nhận là điểm du lịch cộng đồng, việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống đã được huyện, xã quan tâm và đề ra các chủ trương, nghị quyết để tạo sự gắn kết hiệu quả giữa nghề truyền thống với phát triển du lịch.

Phụ nữ dân tộc Thái trắng se sợi dệt vải.

Ông Điêu Chính Thuận, Chủ tịch UBND xã Mường Chiên, cho biết: Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm và nghề đan lát truyền thống, xã đã tuyên truyền các bản, các gia đình để mỗi gia đình là hạt nhân của việc gìn giữ, trao truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đồng thời, xã tổ chức các lớp truyền dạy về kỹ thuật dệt thổ cẩm, đan lát do các nghệ nhân và những người cao tuổi có kinh nghiệm truyền đạt. Tại các lễ hội, sản phẩm thổ cẩm, đan lát được trưng bày, giới thiệu để du khách chiêm ngưỡng, mua sắm.

Cùng chị Hoàng Thị Dung, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng bản Bon đến nhà bà Lò Thị Vị, 83 tuổi, ở bản Quyền, để tìm hiểu nghề dệt vải. Chị Dung nói: Trước đây, biết dệt thổ cẩm là một trong những tiêu chí đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái. Hiện nay, HTX đang khuyến khích các hộ giữ nghề dệt truyền thống mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm và tạo thêm nhiều sản phẩm mới, như: Túi sách, khăn trải bàn, những vật lưu niệm nhỏ, góp phần giữ gìn bản sắc gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Để có được một sản phẩm thổ cẩm trước hết là phải lựa chọn sợi, kéo khung, lên khung, chọn mẫu các loại hoa văn và cài hoa văn lên sẵn. Dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, sáng tạo. Bà Lò Thị Vị chia sẻ: Ngay từ nhỏ, tôi đã được bà, mẹ chỉ bảo cách dệt vải. Đến năm 16, 17 tuổi, những cô gái Thái thời đó phải làm thuần thục các công đoạn thì mới được công nhận là một người trưởng thành. Cô gái nào cũng phải biết dệt vải, nhuộm chàm để làm quần áo cho các thành viên trong gia đình sử dụng và trong những ngày lễ, tết, cưới hỏi. Hiện nay, tôi đang truyền dạy cho các con, cháu các công đoạn và kỹ thuật dệt vải để giữ gìn và bảo tồn nghề dệt truyền thống.

Nhân dân bản Bon giữ nghề đan lát truyền thống.

Bên cạnh đó, những sản phẩm đan lát ở đây đang dần được khôi phục. Ngoài phục vụ trong gia đình, những sản phẩm đan lát đã được HTX du lịch cộng đồng bản Bon đặt hàng để trưng bày và ứng dụng trong lĩnh vực trang trí nội thất, như nón, chiếu, lồng đèn… Ngoài ra, còn giới thiệu với du khách đến tham quan, trải nghiệm nghề truyền thống, mua sản phẩm thủ công của bà con về làm quà tặng.

Ông Điêu Văn Trưng, bản Bon là người gắn bó với nghề đan lát nhiều năm nay, chia sẻ: Đan lát luôn cần sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Sản phẩm đan lát của dân tộc Thái là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo và cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Hiện nay, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn thông qua mô hình du lịch cộng đồng. Chúng tôi tin rằng sản phẩm đan lát sẽ góp phần nâng cao đời sống.

Các sản phẩm đan lát thủ công của nhân dân xã Mường Chiên.

Chị Nguyễn Thúy Hằng, du khách đến từ thành phố Sơn La nói: Đến Mường Chiên, ngoài được tham quan cảnh đẹp, tắm suối khoáng nóng, thưởng thức những món ăn, tôi và gia đình còn được trải nghiệm các công đoạn đan lồng đèn và mang về làm kỷ niệm. Tôi sẽ giới thiệu nhiều bạn bè, người thân đến trải nghiệm nơi đây.

Việc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tại xã Mường Chiên đang từng bước được phát huy; nhân dân nơi đây rất mong có sự hỗ trợ để xây dựng làng nghề, mở rộng và phát triển đa dạng các sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nâng thu nhập, tạo việc làm tại địa phương.

Thu Thảo
Báo Sơn La – baosonla.vn