Quảng Nam: Bảo tồn văn hóa nông thôn trong phát triển du lịch cộng đồng

Mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ tại Quảng Nam từ năm 2009, đến nay Quảng Nam đã có 19 điểm DLCĐ đưa vào đón khách.


Du khách học làm nông dân cùng người dân xứ Quảng

Có thể nhắc đến những làng nghề truyền thống duy trì sản xuất, kết hợp làm DLCĐ như: Làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà (Hội An), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn), chiếu Bàn Thạch (Duy Xuyên)… Cùng với đó là những làng DLCĐ ở các huyện miền núi Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My…

Những mô hình tiêu biểu này được hình thành, phát triển dựa vào khai thác giá trị tài nguyên của thiên nhiên, gắn với các giá trị văn hóa sinh thái nông nghiệp, nông thôn khác biệt của từng địa phương. Cùng với đó là những đặc trưng văn hóa của từng vùng đất để tạo ra điểm đến, tour tuyến mới lạ, hấp dẫn làm đa dạng thêm sản phẩm du lịch địa phương.

Đặc biệt các làng nghề này vẫn còn bảo tồn được không gian của làng quê điển hình xứ Quảng; giữ gìn và phát triển sản phẩm truyền thống chủ đạo của làng nghề, sự độc đáo của văn hóa phi vật thể, nghệ nhân gắn bó với làng để thực hành, trao truyền, giới thiệu về văn hóa của làng cho du khách và thế hệ trẻ của làng.

Điểm hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước của những mô hình DLCĐ tại các vùng nông thôn xứ Quảng chính là sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân, cộng đồng vào trong các hoạt động du lịch, hình thành một hệ thống sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo của các vùng miền. Cũng nhờ đó mà người dân có thêm nguồn thu nhập bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy.

Những giá trị văn hóa truyền thống sẽ tạo sản phẩm du lịch đặc trưng cho các làng văn hóa – DLCĐ tại nhiều huyện miền núi Bắc Quảng Nam

Tại một số cộng đồng khó khăn, mô hình này được xem là một trong những phương thức xóa đói giảm nghèo, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm, góp phần cải thiện đời sống của nông dân. Chính những người dân địa phương, nghệ nhân làng nghề sẽ là những hướng dẫn viên địa phương, giới thiệu cho khách tham quan lịch sử làng quê truyền thống, dạy và cùng du khách trải nghiệm những đặc trưng văn hóa như hát bả trạo, trồng lúa, trồng rau, làm gốm, trải nghiệm ẩm thực và văn hóa vùng cao…

Thực tế đã chứng minh, những mô hình nói trên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mang lại thu nhập cho cộng đồng, đề cao quyền làm chủ, phân bổ lợi ích rộng rãi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Cách làm này là nhân tố quan trọng trong sự hồi sinh và duy trì văn hóa truyền thống nông thôn.

Một khi cư dân địa phương – những người giữ gìn, bảo tồn văn hóa vùng đất được hưởng lợi từ các giá trị ấy thì mới bền vững. Nghệ nhân sẽ tâm huyết với văn hóa truyền thống, trao truyền cho giới trẻ. Có thu nhập từ chính giá trị khác biệt của làng quê là cách để giữ chân người giỏi, người trẻ ở lại với làng và có những sáng tạo rất trẻ, hợp thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của làng.

Tại nhiều làng quê truyền thống đang có thế mạnh về du lịch của Quảng Nam, ngày càng có nhiều điểm du lịch, không gian mới do chính những người trẻ ở làng khởi xướng theo xu hướng du lịch xanh, phát huy các nghề, văn hóa truyền thống. Các doanh nghiệp du lịch cũng đã bắt đầu chú trọng thiết kế thêm những sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu, sở thích để thu hút du khách nội địa đến với Quảng Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: “Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam luôn chú trọng xây dựng, ban hành, thực hiện nhiều đề án, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các vùng nông thôn, trong đó có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ công tác trao truyền nghề, văn hóa dân gian cho người trẻ ở các làng quê đó”.

Theo ông Hồng, cốt lõi của DLCĐ vẫn là dựa vào cộng đồng và đây chính là tiêu chí quan trọng bậc nhất để đánh giá sự thành công và bền vững của các mô hình được hỗ trợ. Cần một hệ quy chiếu để nhìn nhận tổng quát chứ không chỉ là thống kê về lượng khách tham quan hay doanh thu đạt được.

Chính vì thế, việc hỗ trợ tài chính ban đầu cho các điểm du lịch rất hữu ích, nhưng cần thiết hơn là các cơ chế để đảm bảo khi đề án kết thúc thì sẽ để lại gì cho cộng đồng, để các điểm du lịch này vẫn tiếp tục vận hành hiệu quả. Bởi vậy nên để người dân, cộng đồng tự quyết định sản phẩm của làng bởi sau khi nhận được các hỗ trợ ban đầu, chính bản thân cư dân trong làng sẽ nhận thức và hình thành được sản phẩm mà du khách cần. Người dân địa phương trực tiếp tham gia và được hưởng lợi từ du lịch, được tham gia tập huấn nâng cao về nhận thức, được đào tạo kỹ năng làm du lịch… 

Khánh Chi
Báo Văn hóa – baovanhoa.vn