Phát triển du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện hiện đang được huyện Nậm Nhùn chú trọng. Với lợi thế gần mặt hồ thủy điện rộng lớn, thời gian qua, người dân tại các xã ven sông, đặc biệt là tại xã Mường Mô với sự đầu tư của chính quyền địa phương đã phát triển trên 400 lồng bè nuôi cá trên lòng hồ. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng vẻ đẹp lòng hồ và thưởng thức vị ngon lạ của những món ăn dân tộc như: cá nướng, cá bống vùi tro, canh bon, cơm lam, chẩm chéo, xôi ngũ sắc, lợn cắp nách quay… để lại ấn tượng sâu đậm. Nói về phát triển du lịch sinh thái khu vực lòng hồ Thủy điện Lai Châu không thể không nói đến sự tham gia tích cực của người dân. Để huy động sự tham gia của bà con vào phát triển du lịch sinh thái cũng như phát triển các dịch vụ vận tải, cơ sở lưu trú, nuôi cá lồng trên lòng hồ; từ năm 2017 nay, huyện Nậm Nhùn hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho hàng chục hộ của xã Mường Mô đóng lồng bè nuôi cá, làm nhà nổi đón khách. Thấy được hiệu quả của mô hình này, ngoài chương trình hỗ trợ nhiều hộ cũng mạnh dạn đầu tư. Tính đến nay đã có 15 hộ tham gia các hoạt động đưa đón khách tham quan, 5 hộ có cơ sở lưu trú, trải nghiệm nghỉ qua đêm ngay trên lòng hồ.
Ông Hà Văn Ruệ – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn cho biết: Phòng chủ động tham mưu cho UBND huyện Kế hoạch số 3230/KH-UBND, ngày 30/12/2022 về thực hiện chiến lược phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trong thời gian tới, tin rằng du lịch sinh thái khu vực lòng hồ Thủy điện Lai Châu sẽ có bước đột phá. Từ đó, tạo những cú huých thực sự để ngành công nghiệp không khói đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Từ nay đến năm 2030, phòng phấn đấu tham mưu xây dựng thêm 1 sản phẩm du lịch sinh thái lòng hồ gắn với trải nghiệm văn hóa các dân tộc.
Hoàng hôn trên lòng hồ Thủy điện Lai Châu
Để phát triển du lịch sinh thái lòng hồ Thủy điện Lai Châu trên địa bàn huyện Nậm Nhùn trước mắt cũng như lâu dài, thời gian qua, huyện đầu tư hệ thống cảng, mở rộng lòng đường tại các bản: Mường Mô, Nậm Hài, đường xuống bến thuyền với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện tích cực vận động nhân dân trong khu vực chủ động cải tạo nhà, vườn tạp, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh, di chuyển chuồng trại ra khỏi địa bàn dân cư để làm dịch vụ homestay đón khách. Công tác quảng bá về du lịch Nậm Nhùn nói chung, du lịch sinh thái lòng hồ Thủy điện Lai Châu nói riêng đã được huyện quan tâm với việc quảng bá bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau như: quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các nền tảng của zalo, facebook, Fanpage, du lịch thông minh 360 độ…
Anh Trần Văn Biên (du khách đến từ quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) cho biết: Tôi và các thành viên khác trong gia đình vừa có chuyến trải nghiệm thú vị ở lòng hồ. Ngoài cảnh thiên nhiên đẹp, tôi cùng các con rất thích được đến thăm các bè cá, ăn những món ăn dân tộc ngay trên nhà hàng nổi. Đêm đến ngủ trên nhà bè tận hưởng cảm giác đung đưa theo những con sóng, đó là những điều ở thành phố chúng tôi không thể cảm nhận được.
Không chỉ trải nghiệm lòng hồ, để thu hút du khách và kéo dài thời gian lưu trú, huyện Nậm Nhùn còn phục dựng nhiều lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện, điển hình như: Lễ hội Mìn Loong Phạt, Hàng Sị Phạt của dân tộc Cống; Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Khơ Mú, Mảng, Cống… Nâng tầm Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái tổ và đua thuyền truyền thống lên quy mô cấp tỉnh. Tính đến tháng 10/2024, tổng số khách đến tham quan, du lịch tại huyện khoảng 13.500 người, doanh thu khoảng trên 3 tỷ đồng. Trong số các khách du lịch đến với huyện Nậm Nhùn có khoảng gần 8 nghìn người đến để tham quan, du lịch lòng hồ. Phát triển du lịch có ý nghĩa lớn trong việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã nông thôn mới Mường Mô, nhất là cải thiện thu nhập khi đến nay xã đạt mức thu nhập bình quân trên 35 triệu đồng/người/năm. Đời sống người dân được cải thiện cả về vật chất cũng như tinh thần.
Anh Lò Văn Duy – Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Mường Mô (bản Nậm Hài, xã Mường Mô) cho biết: Năm 2020, tôi cùng các thanh niên trong xã thành lập Hợp tác xã Thanh niên đầu tư nuôi cá lồng kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch trải nghiệm trên lòng hồ thủy điện với 7 thành viên. Sau những khó khăn ban đầu, hiện nay khách du lịch đến với hợp tác xã tương đối ổn định. Tính bình quân thu nhập từ các hoạt động kinh doanh hằng năm của các thành viên từ 150 – 200 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, tùy theo nhu cầu khách, chúng tôi sẽ đầu tư thêm dịch vụ phòng nghỉ, trang trí điểm check in để du khách có nhiều trải nghiệm thú vị khi đến với Mường Mô.
Từ những kết quả đã đạt được trong phát triển du lịch sinh thái lòng hồ Thủy điện Lai Châu cũng như thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch trên địa bàn; hy vọng rằng trong những năm tới, du lịch Nậm Nhùn sẽ ngày càng phát triển để ngành công nghiệp không khói đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Nguyễn Tùng
Báo Lai Châu – baolaichau.vn