Du lịch sinh thái – hướng đi mới cho Đà Nẵng

Huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) chiếm gần 75% diện tích đất liền của thành phố Đà Nẵng, với nhiều khu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tập trung, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, du lịch cộng đồng… Đây là một trong các hướng đi mới cho kinh tế địa phương.
Tuấn Lê Glamping, điểm sáng về du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp, lâm nghiệp ở Hòa Vang, Đà Nẵng.

Đang lúi húi dọn cỏ, tỉa cây tại Khu du lịch sinh thái Nông Trại Sen ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, bà Lê Thị Sanh gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt rám nắng, khắc khổ tuổi 50, kể: “Khu này của ông Đặng Văn Tùng, là người ở đây, hồi trước cũng đông khách lắm, bên kia còn có ngôi nhà của hàng xóm, được thuê lại để khách ở qua đêm. Nhưng rồi huyện, xã kiểm tra, rà soát quy định thì khu này không được phép cho khách ở lại qua đêm, vì đất thuộc nhiều hộ…

Ban đầu, ông Tùng chỉ làm trên mấy sào đất của mình, thấy hiệu quả, nên thuê lại để làm du lịch. Bà con trong thôn cũng được lợi vì giá thuê cao hơn thu từ làm nông thuần túy. Người dân địa phương có thêm thu nhập từ công chăm sóc cây, hoa, nuôi cá… hoặc làm nhân viên cho khu du lịch. Vừa có thêm thu nhập, mà vẫn được thu hoạch một ít sản phẩm trên đất mình để sử dụng, tính ra hiệu quả hơn nhiều so với sản xuất thuần nông. Tiếc là nay phải tạm ngừng hoạt động để chờ giấy phép”.

Một trong những mô hình thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang có hiệu quả là Khu An Phú Farm tại thôn Hội Phước, xã Hòa Phú. Dự án phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp kết hợp du lịch được triển khai từ năm 2019, với diện tích gần 2 ha.

Sau khi được chính quyền huyện cho phép thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, từ chỗ chỉ trồng rau, hoa, cây ăn quả… Khu An Phú Farm được phép dựng 15 lều trại, sức chứa tối đa 40 khách có thể nghỉ lại. Anh Dương Hiển Tú, chủ đầu tư An Phú Farm cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu du lịch sinh thái, kết hợp trải nghiệm nông nghiệp như tham gia trồng cây, thu hoạch rau, củ, quả, nuôi và câu cá… trên các vùng đồi núi không quá xa trung tâm thành phố tăng mạnh.

Khu trang trại của anh Tú ban đầu chỉ trồng cây ăn quả, rau, hoa… Sau khi được phép của chính quyền địa phương, anh kết hợp mở du lịch dã ngoại bằng lều trại, thu hút rất đông khách từ trung tâm Đà Nẵng lên vui chơi, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, việc lưu trú vẫn là vấn đề vướng mắc, vì quy định pháp luật chưa cho phép đăng ký tạm trú qua đêm ở các khu dã ngoại, trong khi nhu cầu của khách là ở lại vui chơi cả đêm, vì nếu buổi tối ăn uống, vui chơi xong rồi về lại cũng không dễ dàng, vì đường khá xa, vắng vẻ, đi lại ban đêm không an toàn.

Đồng tình với anh Dương Hiển Tú, anh Nguyễn Văn Diệp, chủ Khu du lịch Sơn Phước, thuộc thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang chia sẻ: Khu đất gần 5 ha của anh trước đây chỉ trồng cây lâu năm, nhưng đất đồi chủ yếu là đá non, cằn cỗi, cho nên cây khó sống, chậm phát triển. Sau khi có chủ trương của thành phố về phát triển du lịch kết hợp nông, lâm nghiệp, anh đã đầu tư gần 15 tỷ đồng để cải tạo đất, chở đất phù sa màu mỡ từ nơi khác về đổ trên lớp mặt để tạo độ phì cho đất. Hiện vườn cây ăn trái như bưởi, cam, ổi, xoài từ bốn đến sáu năm tuổi phát triển tốt và bắt đầu cho quả.

Tiếp đó, anh xin giấy phép xây dựng khu du lịch dã ngoại với 15 lều trại lớn nhỏ, sức chứa tối đa gần 100 khách, có sân vườn rộng, bằng phẳng để đốt lửa trại, vui chơi ban đêm. Anh Nguyễn Văn Diệp cho biết: Những người làm du lịch như chúng tôi được biết, theo Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 đã cho phép người dân được sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp kết hợp kinh doanh du lịch. Vấn đề là để khách yên tâm ở lại, cần có một số công trình được kiên cố, sạch đẹp và an toàn như nhà vệ sinh, khu bếp và nhà ăn, nhà điều hành. Chúng tôi hy vọng Nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để địa phương có cơ sở thực hiện, kiểm soát. Thực tế là việc sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp kết hợp kinh doanh du lịch mang lại hiệu quả gấp từ hai đến ba lần so với chỉ làm nông nghiệp. Nhu cầu của du khách, người dân đô thị về du lịch dã ngoại, sinh thái ngày càng lớn, điều kiện, tiềm năng ở các xã vùng ven thành phố Đà Nẵng rất thuận lợi, chỉ còn vướng cơ chế, chính sách từ Trung ương để “cởi trói” cho đất, tăng hiệu quả khai thác, sử dụng đất nông nghiệp làm homestay, farmstay… và các loại hình kinh doanh tương tự.

Tại Khu du lịch Tuấn Lê Glamping thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang có điều kiện thuận lợi hơn vì trong số hơn 3,4 ha đất, có gần 1.500 m2 đất ở. Vì vậy, anh Lê Văn Tuấn đã làm một số khu nhà kiên cố, khang trang để khách du lịch lưu trú qua đêm an toàn. Nhờ đó, Tuấn Lê Glamping hiện là khu du lịch sinh thái thu hút đông khách từ trung tâm Đà Nẵng và các địa phương lân cận đến tham quan, vui chơi qua đêm.

Anh Tuấn cho biết, mỗi dịp cuối tuần, tất cả khu lưu trú hay lều trại đều kín chỗ. Chúng tôi thuận lợi hơn hẳn so với các điểm du lịch kết hợp khác nhờ vào việc có đất ở, được phép xây kiên cố. Nếu các khu khác cũng được tạo điều kiện để xây dựng như chúng tôi, sẽ thu hút thêm nhiều khách đến với Hòa Bắc. Ngay ở Khu du lịch Tuấn Lê Glamping, nếu có thể cho phép chuyển một phần đất trồng cây lâu năm sang đất ở thì sẽ có điều kiện để xây dựng thêm những khu nhà lưu trú khang trang, phù hợp với nhu cầu của du khách sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái trên vùng đất nghèo, xa xôi cách trở này.

Cùng tâm tư, đồng chí Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Bắc cho biết: Người dân Hòa Bắc trước đây chủ yếu sống dựa vào rừng, nhưng từ ngày du lịch phát triển, ý thức người dân thay đổi hẳn. Họ hiểu rằng nếu bảo vệ được rừng, bảo vệ nguồn nước, vườn cây… thì du khách sẽ đến nhiều hơn, thu nhập của họ nhờ vào dịch vụ, phục vụ tại các điểm du lịch cũng cao hơn hẳn so với làm nương rẫy hay vào rừng chặt cây, bẫy thú trộm.

Nếu thành phố Đà Nẵng, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu cho phép mở một lối ra từ cao tốc La Sơn-Hòa Liên kết nối với tuyến ĐT601, thì sẽ thuận lợi hơn nhiều trong việc thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế của xã miền núi nghèo nhất Đà Nẵng. Ông Nguyễn Quang Thuận, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Thái Thiên Phú (trụ sở tại Đà Nẵng) phân tích: Luật Đất đai năm 2024 cho phép xây dựng công trình phục vụ nghỉ dưỡng trên đất nông nghiệp. Trong đó, Điều 218 quy định rõ 7 loại đất được sử dụng kết hợp đa mục đích. Trong đó, đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Đây là quy định mới, giúp nâng cao giá trị đất nông nghiệp, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất khi không còn nhu cầu sử dụng. Qua đó, người nông dân có thể sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với mục đích kinh doanh, góp phần tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, cho đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa trình Chính phủ xem xét, ban hành hướng dẫn thi hành nên các địa phương giàu tiềm năng du lịch như Đà Nẵng vẫn lúng túng, e ngại trong thẩm định phê duyệt các dự án nông-lâm nghiệp kết hợp du lịch, dịch vụ.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn, địa bàn huyện đang có nhiều khu sản xuất nông nghiệp tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất lâm nghiệp, nhiều bãi bồi ven sông…, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, rất phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Đến tháng 8/2024, Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang đã tiếp nhận 61 hồ sơ đăng ký thực hiện mô hình thí điểm du lịch kết hợp sản xuất nông-lâm nghiệp. 15 mô hình đã được Ủy ban nhân dân huyện tổ chức thẩm định và Quyết định chấp thuận chủ trương thực hiện, 45 mô hình chưa được chấp thuận chủ trương thí điểm vì đất chưa bảo đảm tính pháp lý, không đúng mục đích sử dụng đất, ảnh hưởng quy hoạch, không phù hợp với mục đích Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố.

Nhu cầu phát triển du lịch trên đất nông-lâm nghiệp ở Hòa Vang còn rất lớn, vì thế, huyện mong muốn thành phố, Trung ương sớm có chủ trương điều chỉnh, cho phép tổ chức hoạt động lưu trú nếu bảo đảm điều kiện kinh doanh tối thiểu tại các mô hình du lịch nông nghiệp đang triển khai, để các điểm du lịch cung cấp đa dịch vụ theo nhu cầu của khách và giúp nhà đầu tư có nguồn thu tốt hơn.

Bài và ảnh: Thanh Tùng
Báo Nhân dân – nhandan.vn