Từ nguồn tài nguyên của “Đất trăm nghề”, Hà Nội đã được nhiều trang chuyên về du lịch nổi tiếng trên thế giới bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, nhờ sở hữu hệ thống làng nghề truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa nổi bật và mang nhiều giá trị.
Tại Hà Nội, những sản phẩm của các làng nghề như gốm Bát Tràng, Nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh… từ bao đời này đã trở thành kế sinh nhai, nuôi nấng bao thế hệ.
Vài năm gần đây, nhờ thông tin trên các mạng xã hội, rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đã biết đến và về làng nghề truyền thống của Hà Nội để chụp ảnh, thăm quan trải nghiệm làng nghề. Chị Lê Thanh Nhài, Chủ cơ sở Sản xuất tăm nhang xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa chia sẻ, chính nhờ mạng xã hội mà người dân làng nghề đã chủ động hơn trong việc làm du lịch. Sự chủ động này thể hiện ở việc nhiều người dân làng nghề đã làm các sản phẩm đa phương tiện mô phỏng làng nghề, kết nối với các công ty du lịch, lữ hành để đưa du khách đến với làng nghề.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hân, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ cho rằng: “Để phát triển du lịch làng nghề thì rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các ngành chức năng để kêu gọi đầu tư, vận động các thành phần kinh tế tham gia theo phương châm xã hội hóa sản phẩm du lịch”.
Quy hoạch làng nghề gắn với phát triển du lịch
Với định hướng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế có vai trò quan trọng, huyện Thường Tín đang nỗ lực xây dựng điểm đến có tính chất là điểm nhấn cho du lịch. Huyện đã triển khai quy hoạch làng nghề Duyên Thái, xây dựng các tour, tuyến tới các làng nghề có thế mạnh để phát triển du lịch làng nghề như: Làng nghề lược sừng Thụy Ứng, nghề mộc Vạn Điểm, nghề hoa cây cảnh Hồng Vân, bánh dày Quán Gánh…
Theo ông Từ Đức Mạnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, huyện đang hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng các cụm điểm công nghiệp làng nghề với các điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm tập trung để thu hút du khách.
Để khai thác được thế mạnh của các làng nghề phát triển du lịch, ông Từ Đức Mạnh nêu ý kiến, Hà Nội cần sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển tổng thể các làng nghề, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng như hỗ trợ các làng nghề trong hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các làng nghề phát triển.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong Đề án phát triển làng nghề, ngoài việc đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng, Hà Nội cũng đang tập trung triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm và xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố và các địa phương. Hệ thống các cửa hàng này sẽ tạo thành một hệ sinh thái OCOP để từ đó khai thác phát triển hoạt động du lịch làng nghề của mỗi địa phương.
Với việc đầu tư bài bản, đồng bộ, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển du lịch thì đây sẽ là hướng phát triển bền vững cho các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, các địa phương cũng xây dựng các tour tuyến du lịch làng nghề gắn với hoạt động văn hóa tâm linh, lễ hội truyền thống. Việc này góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương phát triển.
Xây dựng 5-10 mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo để quảng bá sản phẩm OCOP
Trong định hướng phát triển bền vững làng nghề gắn với hoạt động du lịch, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các quận, huyện năm 2024. Đây được coi là dấu mốc, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của mỗi làng nghề kết hợp sản xuất gắn với hoạt động khai thác du lịch, mua sắm, trải nghiệm tại các làng nghề.
Thế mạnh của huyện Chương Mỹ đó là các ngành nghề sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại các xã Phú Nghĩa, Đông Phương Yên, Trường Yên. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ cũng đã xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề tại xã Đông Phương Yên.
Ông Phan Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên cho biết, sau khi hoàn thành, Trung tâm sáng tạo làng nghề này sẽ là động lực cho sự phát triển của xã Đông Phương Yên, xã Phú Nghĩa và các xã có làng nghề phụ cận của huyện Chương Mỹ.
Đối với huyện Phú Xuyên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch làng nghề với tuor, tuyến gắn kết xã làng nghề giày da Phú Yên, nghề may Vân Từ và xã nghề khảm trai Chuyên Mỹ. Hiện nay, khó khăn lớn nhất để huyện Phú Xuyên phát triển du lịch làng nghề đó chưa hoàn thiện được cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú cùng cùng những dịch vụ đi kèm. Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho rằng, với việc xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề tại xã Chuyên Mỹ sẽ khắc phục triệt để các tồn tại đó cho các làng nghề phát triển.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, thực hiện Kế hoạch của Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã phối hợp với các quận, huyện rà soát các làng nghề có tiềm năng khai thác du lịch để quy hoạch, xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo làng nghề, tạo nên một sản phẩm du lịch mới thu hút du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến với Thủ đô.
Khi có chiến lược phát triển tổng thể và có đầu tư đúng hướng thì những làng nghề của Hà Nội sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cũng như thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm làng nghề.
Thiện Tâm
Cổng TTĐT Chính phủ/Trang Thủ đô Hà Nội – thanglong.hanoi.gov.vn