Từ những cánh đồng trũng chỉ gieo cấy vào vụ Xuân, năm 2021, UBND xã Đồng Ích (Lập Thạch) phối hợp với Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa (Nghệ An) thực hiện thí điểm mô hình sản xuất lúa thảo dược trên tổng diện tích 1,4ha.
Nhận thấy lúa thảo dược phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, cho giá trị kinh tế cao, UBND xã Đồng Ích đã định hướng, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình, liên kết các hộ sản xuất tập trung, xây dựng sản phẩm OCOP.
Sau nhiều mùa vụ thành công với lúa thảo dược, người dân xã Đồng Ích đã thay đổi tư duy về giống lúa mới, theo đó, diện tích trồng lúa thảo dược không ngừng tăng, đến nay đã đạt hơn 7ha, năng suất đạt 1,8 tạ/ha.
Tháng 5/2024, xã Đồng Ích đã ra mắt HTX Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hoạt động thu mua, chế biến lúa thảo dược. Hiện nay, lúa thảo dược được HTX thu mua tại ruộng với giá từ 22.000-25.000 đồng/kg, cao hơn so với mặt bằng chung các giống lúa đang được trồng tại xã.
Chị Triệu Thị Giang, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn cho biết: “Nắm bắt định hướng của địa phương, chúng tôi đã liên kết 30 hộ sản xuất lúa thảo dược tập trung tại thôn Hoàng Chung để thành lập HTX, đồng thời thu mua toàn bộ lúa thảo dược được trồng trên địa bàn xã để chế biến, sản xuất gạo và trà thảo dược.
Hiện nay, các sản phẩm của HTX đã được đóng bao bì, đang đăng ký nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo điều kiện để xét công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương”.
Với sự đồng hành của chính quyền huyện Lập Thạch, diện tích thanh long ruột đỏ ở các xã trên địa bàn được nhân rộng, tạo nên thương hiệu được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Chu Kiều
Thực hiện Chương trình OCOP, nhiều diện tích đồi rừng từng trồng bạch đàn, sắn tại xã Xuân Hòa (Lập Thạch) đến nay đã phủ kín màu xanh của các vườn trồng cây thanh long ruột đỏ.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Thanh long ruột đỏ là giống cây phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn xã đạt 70 ha, trong đó khoảng 20 ha ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng quả, gia tăng hiệu quả kinh tế. Với khả năng thu lãi trung bình khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha/năm, thanh long ruột đỏ trở thành giống cây trồng kinh tế chủ lực của xã.
Triển khai Chương trình OCOP, hiện nay địa phương đang tích cực nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp, trung tâm, viện khoa học kỹ thuật trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ, định hướng cho người dân sản xuất các sản phẩm tinh chế từ quả thanh long thay vì xuất thô, có bao bì, thương hiệu và tem truy xuất nguồn gốc để xây dựng thành sản phẩm OCOP”.
Toàn huyện Lập Thạch hiện có 11 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận gồm xúc xích Bình Minh, thịt lợn quế Bình Minh, xúc xích thảo quế Bình Minh, giò lụa thảo quế Bình Minh, cá thính Dung Hoa, giấm cao cấp Thủy Phương, bánh gạo rang Tiên Lữ; 4 sản phẩm được UBND huyện chứng nhận sản phẩm OCOP gồm gà ủ muối A Phớt, thịt chua xã Văn Quán, cá thính Lan Anh và thanh long Thành Hưng.
Hiện nay, huyện Lập Thạch đang phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh hướng dẫn phương án kinh doanh cho các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2024 gồm 7 sản phẩm là mật ong thiên nhiên xã Thái Hòa, bánh đa vừng đen Bách Phượng, nhung hươu sấy khô xã Quang Sơn, gạo thảo dược xã Đồng Ích, mật ong thiên nhiên xã Quang Sơn, trứng gà sạch xã Hợp Lý và tương truyền thống xã Sơn Đông.
Nhằm đưa sản phẩm OCOP trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Lập Thạch chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục triển khai Chương trình OCOP theo chiều sâu, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, thu hút đầu tư và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP thực hiện quy trình, hoàn thành các tiêu chí để sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.
Hoàng Sơn
Báo Vĩnh Phúc – baovinhphuc.com.vn