Hậu Giang: Tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP

Nhờ định hướng đúng thế mạnh và sự hỗ trợ kịp thời của các đề án, nghị quyết, các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm mà nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh Hậu Giang đã vươn xa hơn.


Anh Lâm từng bước xây dựng được thương hiệu cho cây chuối Nam Mỹ trên vùng đất Phụng Hiệp. Ảnh: D.Khánh

Bắt tay vào thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm vào năm 2020, 4 năm qua, bình quân mỗi năm huyện Phụng Hiệp trích nguồn ngân sách hơn 400 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện về hồ sơ thủ tục, các bước kiểm định, thiết kế bao bì, nhãn mác để tham gia xây dựng OCOP.

Sẵn có kinh nghiệm gần 10 năm làm việc trong các fram sản xuất chuối ở miền Đông, nắm bắt được nguồn cung ứng chuối sạch ở khu vực miền Tây còn nhiều tiềm năng, anh Lê Vũ Lâm đã quyết tâm khởi nghiệp với mô hình này. Ban đầu anh chỉ trồng thử nghiệm 2ha, rồi mở rộng lên 20ha, với 22 hộ tham gia. Ngoài việc nhân rộng về diện tích, anh Lâm còn tranh thủ sự hỗ trợ của huyện Phụng Hiệp trong việc thực hiện các bước để xây dựng tiêu chuẩn OCOP cho sản phẩm chuối của gia đình. Và cuối năm qua, sản phẩm chuối Nam Mỹ của anh Lâm đã được công nhận OCOP 3 sao. Anh Lâm cho biết: “Nhận thấy tiềm năng về thị trường cung ứng chuối cho các siêu thị ở khu vực miền Tây còn phát triển nên gia đình quyết định về huyện Phụng Hiệp xây dựng vùng nguyên liệu chuối. Quá trình phát triển cũng áp dụng các quy trình sản xuất để sản phẩm làm ra có đầy đủ các chứng nhận, để từ đó mới đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng”.

Song song với việc phát triển sản phẩm mới, thời gian qua huyện Phụng Hiệp còn chủ động hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, bao bì, nhãn mác để thăng hạng cho sản phẩm. Kết quả đã giúp cho 4 sản phẩm thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Hỗ trợ cho hai chủ thể là Cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây và HTX Kỳ Như hoàn thiện thủ tục cho 3 sản phẩm 4 sao tham gia đánh giá OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Khởi nghiệp cách đây 4 năm, với sản phẩm nằm trong ngành hàng đặc biệt nên bị giới hạn về truyền thông quảng bá, tuy nhiên khi tham gia vào chương trình OCOP, ngoài việc được hỗ trợ máy móc, quy trình sản xuất, đến nay Cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, đã có 4 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh và cấp vùng. Hiện sản phẩm của cơ sở đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, với doanh số bán ra đạt hơn 1 triệu sản phẩm mỗi năm. Đặc biệt cơ sở có 2 sản phẩm được tỉnh bình xét và đề xuất với Trung ương công nhận 5 sao cấp Quốc gia.

Bà Võ Thị Phương Trang, chủ Cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, cho biết: “Thời gian qua cơ sở cũng tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện để từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm của cơ sở. Sau khi đạt chứng nhận OCOP cấp vùng, mục tiêu của cơ sở là OCOP cấp Quốc gia để sản phẩm vươn xa hơn”.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Huyện rất kỳ vọng các sản phẩm OCOP của huyện sẽ tiếp tục phát triển, vì các địa phương trong huyện còn rất nhiều sản phẩm độc đáo. Bởi khi đạt chuẩn OCOP, các chủ thể sẽ được nhiều lợi ích như xúc tiến, quảng bá và được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện.

Khi nông sản hàng hóa ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao sẽ góp phần quan trọng cho huyện Phụng Hiệp thực hiện mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP. Tính đến nay toàn huyện có gần 40.000ha đất sản xuất, gồm 20.000ha lúa, 3.000ha mía, 11.000ha cây ăn trái, 6.000ha rau màu và thủy sản. Trong đó có gần 30% diện tích sản xuất theo hướng an toàn từng bước tiến đến hữu cơ. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng được 20 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc và EU với diện tích 353,61ha, sản lượng 8.340 tấn. Toàn huyện hiện có 1.035 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có 139 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Năm 2024, huyện Phụng Hiệp sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, để làm tiền đề cho việc xây dựng và nhân rộng các sản phẩm OCOP. Một điểm thuận lợi là thời gian qua huyện đã định hình và phát triển được một số mã số vùng trồng trên một số loại nông sản. Song song đó, cũng xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả để trình diễn cho nông dân tham quan học tập và tới đây huyện sẽ tiến hành sơ tổng kết, đánh giá và nhân rộng trên cây trồng như: khóm MD2, cây ăn trái, lúa an toàn và tới đây sẽ phát triển thêm trên thủy sản. Mục tiêu hướng đến hàng hóa nông sản của nông dân trong huyện sản xuất tới đâu sẽ tiêu thụ tới đó, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

Với lợi thế về thổ nhưỡng và sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, cùng với trợ lực từ các chương trình dự án, đến nay huyện Phụng Hiệp đã có 42 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Các sản phẩm OCOP của huyện thuộc 16 chủ thể ở 15 xã, thị trấn trong huyện. Các sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận OCOP đều được đưa đi xúc tiến thương mại nên sản lượng bán ra tăng 50%-60% trước khi được công nhận. Tổng doanh thu các sản phẩm OCOP của huyện năm qua đạt gần 100 tỉ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 266 sản phẩm OCOP, trong đó có 92 sản phẩm 4 sao (chiếm 38%), 174 sản phẩm 3 sao (chiếm 62%). Tổng số chủ thể tham gia là 125 chủ thể gồm 18 công ty (chiếm 14,4%), 36 hợp tác xã (chiếm 28,8%), 71 cơ sở, hộ kinh doanh (chiếm 65,4%). Đăng ký 11 sản phẩm dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.

Theo Văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh thì kế hoạch năm nay của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đối với sản phẩm huyện, thị xã, thành phố mỗi đơn vị cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3-4 sao sản phẩm OCOP cấp huyện. Trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với sản phẩm cấp tỉnh, công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh. Tái công nhận đối với sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận (36 tháng) trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm OCOP đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.

Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

T.Trúc – D.Khánh
Báo Hậu Giang – baohaugiang.com.vn