Sản phẩm Vải dệt thổ cẩm Đạ Long đang được bán và trưng bày |
Từ cuối năm 2023, trên sàn thương mại điện tử Postmart – chuyên cung cấp các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền có tên sản phẩm “Vải dệt thổ cẩm Đạ Long”. Sản phẩm do chính tay những người phụ nữ người Cil của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Buôn K’ Tung (xã Đạ Long) dệt nên. Đây cũng là một trong số ít các sản phẩm thủ công của Lâm Đồng được công nhận sản phẩm OCOP.
Theo bà Mbon Ka Thương – Tổ trưởng Tổ hợp tác, để có được những sản phẩm Vải dệt thổ cẩm Đạ Long đẹp mắt và chất lượng, thợ dệt người Cil phải trải qua nhiều công đoạn công phu và tỉ mỉ. Trước tiên, họ phải chọn lựa sợi len hoặc sợi bông tốt và bắt đầu dệt theo các hoa văn truyền thống của người Cil. Các hoa văn này thường mang ý nghĩa biểu tượng cho sự sống, sự sinh sôi và sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.
Thổ cẩm được làm ra từ những bàn tay cần mẫn và tỉ mỉ của những người phụ nữ Cil |
Tổ hợp tác có tất cả 16 thành viên, đều là phụ nữ trong buôn, có nhiều kinh nghiệm trong việc gìn giữ nghề dệt truyền thống. Trước đây, sản phẩm làm ra chủ yếu là để tặng, hoặc phục vụ cho nhu cầu sử dụng của gia đình, họ hàng. Từ khi thành lập Tổ hợp tác và được công nhận sản phẩm OCOP, các thành viên dệt thường xuyên hơn, từ đó không chỉ giúp cải thiện kỹ năng dệt, mà còn tạo ra thêm thu nhập, giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn.
Bà Mbon Ka Thương cho biết thêm, hiện sản phẩm vải dệt thổ cẩm Đạ Long được chính quyền địa phương hỗ trợ bán tại các cửa hàng lưu niệm và các sự kiện văn hóa ở huyện, tỉnh… Bên cạnh mục tiêu thương mại cho một sản phẩm truyền thống, huyện Đam Rông cũng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống; tạo việc làm và thu nhập cho người dân; góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở Đam Rông trong tương lai.
Vẻ đẹp của những bộ trang phục truyền thống |
Ông Nguyễn Văn Chính – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết, thời gian qua, huyện Đam Rông đã phổ biến các quy định của Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Thủ tướng Chính phủ cho người dân. Đồng thời đã phổ biến các quy định về bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm của Thủ tướng cho người dân. Đồng thời ngành nông nghiệp cũng tập trung rà soát các sản phẩm có chất lượng tốt, chủ thể có năng lực tốt để hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục, quy trình xét công nhận sản phẩm đạt OCOP.
Đến nay, toàn huyện có 18 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, tăng 12 sản phẩm, tương ứng tăng 200% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đang được xây dựng nhãn hiệu tập thể như: Sầu riêng Đam Rông, Dứa mật và bánh tráng làng Tày…
Sầu riêng Đam Rông |
Các sản phẩm còn lại như mắc ca, trà dây, trà trầm, cá tầm, măng khô, sầu riêng, dứa mật, dệt thổ cẩm, vải u hồng, bánh tráng, cà phê… đều có những đặc trưng riêng của mảnh đất Đam Rông và hiện cũng dần được người tiêu dùng biết đến.
Tuy nhiên, ông Chính cũng cho rằng hiện nay các sản phẩm mới cũng đang ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Một số sản phẩm còn mang tính thời vụ, chưa đưa vào sản xuất đại trà. Chính vì thế, mục tiêu của địa phương là tiếp tục hoàn thiện để cùng với các chủ thể tăng cường quảng bá thông tin, tham gia xúc tiến thương mại cho sản phẩm.
Huyện Đam Rông đang xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm sầu riêng |
Đó cũng chính là mong muốn của những người sản xuất, kinh doanh. Như các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Buôn K’ Tung mong muốn có cơ hội được đi tham quan các làng nghề truyền thống tại Lâm Hà, Bảo Lộc, Đạ Huoai để có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, từ đó giúp chị em có thêm động lực và sự tự tin để tiếp tục làm ra những sản phẩm đặc sắc hơn.
“Chúng tôi thấy rằng quy trình xét công nhận sản phẩm OCOP khá chặt chẽ, sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì mới được công nhận. Từ địa bàn vùng sâu, chúng tôi cũng mong địa phương tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn. Ngoài cá tầm 1 nắng, có thể khai thác lợi thế để chế biến thêm nhiều sản phẩm nữa”, ông Huỳnh Ngọc Thu – chủ thể sản phẩm cá tầm một nắng, chia sẻ.
Sản phẩm dứa mật của xã Rô Men được công nhận OCOP 3 sao |
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đam Rông, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh việc thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp gắn với đề xuất hỗ trợ xây dựng hình thành các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; rà soát, xây dựng thêm từ 3 – 5 sản phẩm OCOP (như dược liệu, dệt thổ cẩm, giò chả…) Đồng thời đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao thu nhập, thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hồng Thắm
Báo Lâm Đồng – baolamdong.vn