Tiểu Cần (Trà Vinh): Tiềm năng du lịch nông thôn

Tiểu Cần là huyện địa bàn có lợi thế khá đặc biệt, nằm bên bờ Sông Hậu; nơi có Bến phà Đại Ngãi nối liền 02 tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng; có 02 tuyến Quốc lộ 54 và 60 đi qua, trong đó Quốc lộ 60 là tuyến đường huyết mạch nối với các tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long nên hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển du lịch ở địa phương.

Một góc trung tâm huyện Tiểu Cần

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tiểu Cần còn hình thành nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu, như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao, mô hình trồng màu trong nhà kín, trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP, sản xuất mật hoa dừa và nhiều mô hình vườn cây ăn trái, hoa màu kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản khép kín mang lại hiệu quả cao. Đây cũng là một trong những lợi thế cơ bản, góp phần thúc đẩy cho xu hướng phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa cộng đồng, du lịch sông nước mang tính đặc thù, có khả năng tạo nên thương hiệu và khả năng phát triển cho ngành du lịch miệt vườn của địa phương.

Bên cạnh lợi thế về địa hình, huyện Tiểu Cần còn được xem là nơi hội tụ, sinh sống của đồng bào 03 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Do đó bản sắc văn hóa các dân tộc cũng khá đa dạng và phong phú. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 50 cơ sở thờ tự Phật giáo Nam tông, Bắc tông, Công giáo, Cư sĩ và nhiều hạng mục công trình tín ngưỡng, tôn giáo có nét cổ xưa của đồng bào 03 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, được công nhận kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử cấp tỉnh. Đáng chú ý, huyện Tiểu Cần được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 tại Quyết định số 548-QĐ/CP, ngày 20/6/2024.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh nông thôn mới hôm nay, với những tuyến đường rộng mở, nối dài thẳng tắp, kết nối với làng quê, thôn xóm, ruộng đồng, vườn cây, ao cá, chắc hẳn những người con quê hương Tiểu Cần đang xa xứ hay du khách trong, ngoài tỉnh một lần đến tham quan sẽ càng ấn tượng sâu sắc với quê hương này. Quê hương mà Nhạc sĩ Huy Phương được truyền cảm hứng và sáng tác nên ca khúc “Tiểu Cần một khúc tình ca” đi vào lòng người bao thế hệ. Và ca khúc này, đôi khi còn được xem là hành trang mang theo của nhiều bạn trẻ trên bước đường mưu sinh, lập nghiệp; để ngân nga những lúc vui buồn khi xa xứ.

Với định hướng trong Đề án du lịch giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND huyện Tiểu Cần phê duyệt đã xác định loại hình du lịch của huyện là loại hình du lịch “Đồng quê, Sông nước và Tâm linh”.

Theo đó, huyện đã thành lập trang web “dulichtieucan.vn” để quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của địa phương đến với du khách trong, ngoài nước. Bởi, hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều mô hình đa dạng, phong phú như: hệ thống kênh bê tông nổi (trên cánh đồng lớn) ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần; khu vườn bưởi da xanh sản xuất theo quy trình VietGAP ở ấp Từ Ô, xã Hùng Hòa; khu vườn “Bòn bon” xen dừa ở ấp Định Phú B, xã Long Thới. Điểm Homestay Lê Ngân, ấp Lê Văn Quới, xã Tập Ngãi, với 09 phòng và khu Nhà hàng ẩm thực ven tuyến kênh rất thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện.

Khi đến Homstay Lê Ngân, ngoài việc được thưởng thức các món ngon đồng quê, du khách còn được giao lưu, thưởng thức chương trình đờn ca tài tử do các nghệ nhân, tài tử ca hát tại địa phương thực hiện. Hay điểm Homestay SokFram, ở ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, với 03 phòng và khu vườn trải nghiệm cùng công nhân thu mật hoa dừa.

Đặc biệt, quý khách sẽ được xem quy trình kỹ thuật mát-xa hoa dừa, được thưởng thức những giọt mật ngọt ngào tinh khiết từ hoa dừa. Nếu lưu trú qua đêm tại Homstay SokFram, du khách còn được trải nghiệm, tự tay chế biến các món ăn mang đậm chất – hương vị đồng quê sông nước. Tại đây, du khách có thể mua sắm nhiều sản phẩm làm từ mật hoa dừa đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến 5 sao để làm quà tặng cho người thân, bạn bè!

Khi đến với Tiểu Cần, du khách còn được tham quan các kiến trúc nghệ thuật có lịch sử hình thành hơn trăm tuổi, cụ thể như: chùa Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu Cung) tại Khóm V, thị trấn Tiểu Cần; Nhà thờ Mặc Bắc, ở Khóm I, thị trấn Cầu Quan và 15 chùa Phật giáo Nam tông ở các xã, thị trấn, với những kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ, trong đó có chùa Ô Chhuc, ở ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi; được xem nghệ nhân làm đàn và biểu diễn đàn ChaPây, ở ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần; xem các tiết mục múa, hát, biểu diễn nhạc cụ dân tộc Khmer tại Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS – THPT Tiểu Cần và nhiều điểm tham quan lý tưởng khác… Hiện nay, Tiểu Cần còn có 01 Công ty lữ hành “World Travel And Tour” tại khóm VI, thị trấn trấn Tiểu Cần, chuyên phục vụ khách lữ hành tham quan trong và ngoài nước.

Một đoạn đường tránh Quốc lộ 60 trên địa bàn thị trấn Tiểu Cần

Qua gần 04 năm triển khai thực hiện Đề án du lich, đến nay tốc độ phát triển của ngành du lịch Tiểu Cần có nhiều chuyển biến tích cực. Doanh thu và số lượng khách du lịch tăng nhanh và ổn định qua từng năm; trong đó, có hơn 2.300 lượt khách quốc tế.

Với tiềm năng, lợi thế đó, hiện tại huyện Tiểu Cần đang khuyến khích, mời gọi các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, đầu tư xây dựng các điểm Homestay; nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm, cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, khu bán sản phẩm du lịch, khu ẩm thực truyền thống các dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, xây dựng bến du thuyền trên Sông Hậu và hình thành các chuỗi cung ứng dịch vụ cho loại hình du lịch sinh thái miệt vườn; du lịch tâm linh; du lịch nông nghiệp cộng đồng gắn với chuỗi sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Hy vọng với sự đầu tư, hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp và vai trò nòng cốt, chủ thể của người dân địa phương trong việc tham gia đầu tư thực hiện các mô hình du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, văn hóa – ẩm thực cộng đồng, du lịch tâm linh thì chắc rằng tiềm năng du lịch nông thôn ở Tiểu Cần sẽ phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

 Bài, ảnh: An Oanh – Văn Đoàn

Báo Trà Vinh – baotravinh.vn