TP. Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc phát triển các sản phẩm OCOP. Việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện, lễ hội ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Thủ đô Hà Nội là “Đất trăm nghề”, trong đó có 331 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng hơn 2.700 sản phẩm. Trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, gần 1.500 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 1.226 sản phẩm 3 sao.
Hà Nội hiện có 1.090 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động; có 1.695 trang trại; 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; với 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trên 13.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QR Code). Đây là nguồn lực thực tiễn, là điều kiện thuận lợi để phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, và sản xuất hàng nông sản thực phẩm an toàn và chất lượng cao của TP. Hà Nội.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc phát triển các sản phẩm OCOP. Việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện, lễ hội ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn.
Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở NN&PTNT, Du lịch, Y tế và các quận, huyện, thị xã tổ chức các sự kiện, hội chợ, Festival, tuần hàng, hội thảo để thực hiện xúc tiến đẩu tư, thương mại và du lịch nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, văn hóa của Thủ đô đến với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước.
Các lễ hội tiêu biểu kể đến như: Lễ hội Du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội; Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội; Lễ hội trái cây TP. Hà Nội; Festival Thu Hà Nội; Lễ hội Bia Hà Nội; Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất năm 2024, Lễ hội Sinh vật cảnh Hà Nội lần thứ nhất năm 2024…
Thông qua các lễ hội, hàng nghìn sản phẩm OCOP địa phương các làng nghề được giới thiệu, quảng bá, trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo khách hàng.
Mới đây, “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc” tổ chức tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ (Hà Nội) đã thu hút khoảng 50.000 lượt du khách tham quan, mua sắm. Với sự góp mặt của hơn 1.000 sản phẩm OCOP các vùng miền mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch và người tiêu dùng,
Từ ngày 12 – 16/7/2024, tổng doanh thu và giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua các sản phẩm OCOP và sản phẩm từ sen, các loại trà đạt hơn 11 tỷ đồng, trong đó số doanh thu bán trực tiếp đạt 6 tỷ đồng. Không khí mua sắm tại lễ hội rất sôi động, nhộn nhịp, người tiêu dùng không ngại chi tiền mua số lượng hàng lớn vì tin tưởng chất lượng sản phẩm OCOP.
Tham gia Lễ hội Sen Hà Nội có nhiều sản phẩm OCOP từ các làng nghề Hà Nội như sản phẩm tơ tằm, lụa tơ sen “độc nhất vô nhị” của Công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức; nón làng Chuông (Chương Mỹ, Hà Nội); sản phẩm tranh, đồ lưu niệm sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội),…Ngoài ra, ẩm thực bánh cuốn Thanh Trì, giò chả Ước Lễ, sản phẩm sữa Ba Vì,… là các gian hàng thu hút rất nhiều thực khách.
Hay như tại Festival Thu Hà Nội năm 2023 lần đầu tiên tổ chức đón hàng nghìn lượt du khách trải nghiệm “Không gian ẩm thực Hà thành”; Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2023 thu hút khoảng 10 vạn người dân và du khách trải nghiệm… Với số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, dẫn đầu số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên là lợi thế của Hà Nội trong việc quảng bá, kích cầu kinh tế địa phương.
Có thể thấy rõ, thông qua các lễ hội được TP. Hà Nội tổ chức, người tiêu dùng các tỉnh, thành phố biết đến nhiều hơn, tạo điều kiện kết nối giữa cơ sở sản xuất và khách hàng, góp phần kích cầu ngành du lịch Hà Nội, giữ vững danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới”.
Thùy Linh
Cổng TTĐT Chính phủ/Trang Thủ đô Hà Nội – thanglong.chinhphu.vn