Nghề thêu, dệt thổ cẩm, làm trang phục, đồ lưu niệm, trang trí của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Tày, Xa Phó đang phát triển nổi bật ở Sa Pa và được du khách yêu thích. Trước đây, người dân chủ yếu làm để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, nhưng nay các sản phẩm đã trở thành hàng hóa và phục vụ nhu cầu trải nghiệm, mua sắm của du khách.
Chị Giàng Thị Dở, tổ 3, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa cho biết: “Khách du lịch đến đây rất thích xem mình làm nghề truyền thống thổ cẩm của người Mông, thích xem vẽ sáp ong, thích hoa văn mình làm ra. Mình đã học từ mẹ từ bé và bây giờ thì có du khách thích xem làm nghề của người Mông và họ có thể mua nếu muốn.”
Chị Giàng Thị Sú, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, chia sẻ: “Có nhiều khách du lịch thích truyền thống văn hóa của mình, thì trang phục của mình, cái túi hay cái gối, hay sản phẩm em tự thêu để bán.”
Du khách nước ngoài trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Sa Pa
Sa Pa hiện có nhiều nghề thủ công truyền thống khác nhau, tạo các sản phẩm đa dạng như: nghề chạm khắc bạc của người Mông, Dao, nghề dệt, thêu thổ cẩm, làm trang phục của người Mông, Dao, Giáy, Tày, Xa Phó, nghề làm nhạc cụ, lấy thuốc cổ truyền của người Dao, nghề rèn của người Mông và một số nghề khác… Tất cả đều được truyền qua nhiều thế hệ, được người dân sáng tạo thành các sản phẩm du lịch ở địa phương.
Nghệ nhân người Mông chế tác bạc tại Sa Pa
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa, nhấn mạnh: “Thị xã Sa Pa hiện tại cũng đang chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin của chúng tôi để tham mưu xây dựng các sản phẩm quà tặng lưu niệm và sản phẩm hàng hóa phát triển trên cơ sở sản phẩm thủ công truyền thống của cộng đồng các dân tộc địa phương. Hiện tại, chúng tôi đang đề xuất hỗ trợ, bảo tồn 5 nhóm, ngành cơ bản để phục vụ khách du lịch. Chúng tôi hy vọng khi hoạt động hỗ trợ này được hoàn thiện, khách du lịch đến với Sa Pa sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới và có nhiều lựa chọn hơn.”
Gian hàng đồ thổ cẩm và đồ lưu niệm tại chợ Sa Pa
Với việc quan tâm khuyến khích, hỗ trợ người dân trong bảo tồn nghề thủ công truyền thống, tạo sản phẩm du lịch, hy vọng rằng, tới đây đồng bào các dân tộc ở Sa Pa sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định từ chính nghề cổ truyền của cha ông để lại.
Đức Trung
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lào Cai – laocaitv.vn