“Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam” là chủ đề của Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2024, Festival đầu tiên về muối sắp diễn ra mang kỳ vọng mở hướng đi cho hạt ngọc của xứ sở Bạc Liêu, hạt muối của Việt Nam nói chung.
Hình ảnh chính của đơn vị thiết kế chương trình Festival giới thiệu tại buổi họp báo
Từ một đề xuất của báo Bạc Liêu
Trước hết xin nhắc lại một bài báo cũ. Bài báo này cũng đã được đơn vị thiết kế chương trình Festival (Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Sông Sen) đăng một đoạn minh họa trong các slide trình chiếu tại buổi họp báo thông tin về Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2024 (do UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào chiều 05/7). Đó là bài viết “Festival muối: Tại sao không” trên đặc san Nhà báo và Nghề báo (Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu) vào tháng 8/2021.
Xin trích dẫn một đoạn trong bài báo: “Xâu chuỗi những giá trị độc đáo của nghề muối và hạt muối Bạc Liêu, tại sao ta không mở một lối đi mới để nâng tầm giá trị và nâng lên thương hiệu cho nghề muối và hạt muối xứ mình? Đã có Festival gạo, Festival chè quốc tế ở Thái Nguyên, Festival hoa ở Đà Lạt, Festival biển ở Nha Trang… thì tại sao không thể có Festival muối tại Bạc Liêu, trong khi nghề làm muối đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Những đề xuất cho các hoạt động trong khuôn khổ của Festival về muối cũng được bài báo nêu rõ: trình diễn mô hình nghề làm muối, các công đoạn làm ra hạt muối, trưng bày những vật dụng của diêm dân, triển lãm những hình ảnh đẹp về đồng muối, tổ chức hội thi ẩm thực với những món ăn chế biến từ muối Bạc Liêu, biểu diễn đờn ca tài tử về hạt muối Bạc Liêu…
Sau 3 năm, cuối cùng một Festival về muối cũng đang được Bạc Liêu xúc tiến thực hiện! Đó là Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2024 “Hành trình trăm năm nghề muối – Đời người” có chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam” dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 26 – 28/12 do UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức tại Bạc Liêu. Ngoài lễ khai mạc và bế mạc, Festival còn có chương trình khảo sát thực tế cánh đồng muối tỉnh Bạc Liêu, lễ khánh thành dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải (huyện Đông Hải); hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm và triển lãm thương mại các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã, lồng ghép với “Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024”… Và có cả chương trình “Về Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử”, không gian trưng bày các mô hình, hiện vật, các tiến bộ kỹ thuật sản xuất, chế biến muối; các tua tham quan các điểm du lịch, di tích lịch sử và tổ chức hội thảo “Định hướng và các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch muối Bạc Liêu”…
Với những hoạt động đó, Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2024 nhằm tôn vinh nghề muối truyền thống, nâng cao giá trị nghề muối của Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng, khơi dậy tình yêu nghề truyền thống của thế hệ trẻ có trình độ tham gia vào các hoạt động sản xuất – kinh doanh, khởi nghiệp từ nghề muối. Đồng thời, tăng cường mối liên kết các sản phẩm muối của người làm muối đến với thị trường, nâng cao giá trị kinh tế từ nghề muối cho người làm muối…
Viết tiếp hành trình trăm năm cho hạt muối đang được Bạc Liêu cật lực thực hiện để mở ra câu chuyện tương lai cho hạt muối và đời diêm dân.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu trò chuyện với diêm dân xã Vĩnh Thịnh về hướng phát triển du lịch tại đồng muối. Ảnh: H.T
Nâng tầm giá trị – Đổi đời diêm dân
Những trăn trở bấy lâu của nghề muối đã được người đứng đầu chính quyền Bạc Liêu chia sẻ với báo giới tại buổi họp báo thông tin về Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2024. Nghề muối tồn tại lâu đời và giờ đã được công nhận là di sản quốc gia, thế mà đời diêm dân còn bao cơ cực. Hiện tại, muối đen có giá 900 đồng/kg, muối trải bạt cao nhất cũng chỉ 1.200 đồng/kg. Chủ tịch UBND tỉnh nhắc lại khá nhiều lần, tất cả món ăn không thể thiếu vị mặn mòi của muối, nhưng người ta cũng không thể ăn một lúc quá nhiều, cho nên lượng tiêu thụ không lớn. Vì vậy muốn bán được muối với số lượng lớn, phải nghĩ ra cách đa dạng sản phẩm.
Ngay sau buổi họp báo này, nội dung “đinh” được nhiều tờ báo thông tin cũng khiến nhiều người giật mình! Đó là nội dung từ câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều chia sẻ: “Muối Bạc Liêu giá 900 đồng/kg, trong khi Singapore đưa công nghệ vào chế biến bán 1,8 triệu đồng/100gr muối làm đẹp! Đây là loại muối đã qua công nghệ chế biến và đưa trí tuệ vào để làm, do đó tỉnh cần có thêm các đối tác chế biến sản phẩm như vậy từ muối ở Bạc Liêu để bán ra thế giới, nâng giá trị hạt muối”. Để tiến hành, rất cần sự cộng lực của các nhà: nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà quản lý và dĩ nhiên bản thân người làm muối đã và luôn sẵn sàng, bởi khát khao làm giàu từ hạt muối luôn cháy bỏng ở những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này.
Nâng tầm giá trị cho hạt muối để diêm dân có thể đổi đời đã được nhen nhóm khá lâu. Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2023 (cuối tháng 12/2023), tại Hội thảo định hướng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, TS. Ngô Kiều Oanh – chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn, cho rằng “nghề muối Bạc Liêu là một sản phẩm du lịch đặc biệt”. TS. Oanh đề nghị mở bảo tàng, nhà trưng bày, bảo tồn nghề làm muối Bạc Liêu để phát triển du lịch muối. Và ý tưởng này cũng đã được Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu – Hàn Ái Tiến đề xuất tại buổi họp báo.
Một nhóm sinh viên ngành Quản trị kinh doanh của Trường đại học Bạc Liêu khi tham gia “Cuộc thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” của trường đã xây dựng dự án “Mô hình xây dựng khu du lịch cánh đồng muối Bali tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu năm 2023”, và giải Nhất đã thuộc về ý tưởng đầy tâm huyết này.
Đã có khá nhiều dự định cho muối và Festival về muối hy vọng sẽ xâu chuỗi tất cả những ý tưởng, hiện thực hóa thành con đường thẳng tiến cho hạt muối Việt Nam, xứ muối Bạc Liêu.
“Hành trình trăm năm nghề muối – Đời người” ấy, muối Bạc Liêu đã gắn chặt với vùng đất, con người như một phần hương vị không thể thiếu của quê hương. Chính vì vậy, cũng có nhà báo nêu ý kiến bên cạnh những hoạt động mang tính quảng bá, giới thiệu, cần xây dựng thành câu chuyện kể thật xúc động về nghề muối trên một sân khấu hóa chẳng hạn. Bởi muối Bạc Liêu không chỉ là hàng hóa thuần túy kinh tế mà còn là sản phẩm mang tính sáng tạo và phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, điều kiện tự nhiên khác biệt của vùng đất. Những câu chuyện xung quanh nghề muối và hạt muối Bạc Liêu chính là giá trị và tiềm năng để muối làm du lịch.
“Một Festival muối, hoàn toàn có thể thực hiện được với những hoạt động tôn vinh nghề muối và nâng tầm giá trị hạt muối Bạc Liêu, đó là chưa kể, sức mạnh truyền thông từ Festival này chắc chắn sẽ làm cho thương hiệu muối Bạc Liêu, di sản này bay xa hơn nữa…”. Đó là đề xuất của 3 năm trước trong bài báo nói trên.
Và thực tế, câu trả lời ở hiện tại: đã hoàn toàn thực hiện được một Festival nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam bằng tâm huyết và nỗ lực của con người xứ muối Bạc Liêu.
Cẩm Thúy
Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn