Đức Lợi (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) là một xã nằm về phía hạ du của sông Vệ, phía đông giáp với biển. Từ bao đời nay người dân Đức Lợi chủ yếu sống nhờ vào nghề đánh bắt hải sản ven bờ, nghề làm nước mắm và trồng rau. Đến nay, vùng quê nơi đây đã đổi thay đáng kể, đời sống người dân không ngừng nâng lên. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, xã có những kinh nghiệm hay trong hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế để người nghèo tự lực vươn lên.
Đức Lợi là một xã nằm về phía hạ du của sông Vệ, phía đông giáp với biển
Khơi dậy tiềm năng làng nghề nước mắm
Vùng biển Đức Lợi, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) được thiên nhiên ban tặng không chỉ phong cảnh đẹp mà còn dồi dào tôm cá, đặc biệt là cá cơm, các loại cá ven bờ với vị ngọt và béo đặc trưng. Đây là nguồn nguyên liệu để tạo nên nước mắm truyền thống.
Theo chân cán bộ văn hóa xã hội, chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Hoa (55 tuổi), một trong những hộ làm nước mắm kỳ cựu ở làng biển này. Trong không gian tràn ngập hương vị của mắm truyền thống, chúng tôi nghe bà Hoa say sưa kể nhiều câu chuyện thú vị xung quanh việc làm ra chai nước mắm nguyên chất mà bà được truyền dạy, tích lũy từ mẹ của bà.
Bà Hoa không còn nhớ chính xác thời gian gia đình bà bắt đầu làm nghề truyền thống này, nhưng với vợ chồng bà thì đến nay đã gần 40 năm. “Tôi rất mê làm mắm. Năm nào biển bội thu, được mùa cá là gia đình tôi vui lắm, vì có nhiều cá tươi, cá ngon để làm mắm”, bà Hoa chia sẻ.
Mỗi năm gia đình bà Hoa bán ra thị trường 1.000 lít nước mắm
Bà Hoa cho biết, vào năm 2022, mẹ bà là hộ cận nghèo và được địa phương hỗ trợ cá, muối làm mắm để tiếp tục gìn giữ phát triển nghề truyền thống. Từ đó gia đình bà duy trì nghề giữ sinh kế mang lại thu nhập cho gia đình. Bình quân mỗi năm gia đình bà Hoa bán ra thị trường 1.000 lít nước mắm, với giá 50 ngàn đồng/ lít.
“Trưởng thôn An Chuẩn Nguyễn Cư cho biết, người dân thôn An Chuẩn nói riêng và xã Đức Lợi nói riêng đã phát triển kinh tế gia đình và nuôi con ăn học nhờ vào nghề mắm truyền thống. Khi phát triển du lịch cộng đồng, du khách đến tham quan nghề mắm truyền thống, sản phẩm làm ra sẽ bán được hơn, đem lại thu nhập cho người dân”.
Thực hiện hỗ trợ sinh kế dự án chế biến nước mắm, theo Chương trình mục tiêu quốc gia bền vững xã Đức Lợi đã hỗ trợ muối và cá cho 10 hộ, trong đó có 6 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Gia đình ông Nguyễn Công Đức (72 tuổi), ở thôn An Chuẩn là một trong 10 hộ được hưởng lợi từ dự án cho biết, vợ chồng ông đã gần 50 năm gắn bó với nghề làm nước mắm. Muốn có nước mắm ngon, ngoài bí quyết riêng của mỗi người thì nguyên liệu cá rất quan trọng. Cứ phải là cá của biển mình mới cho ra mùi mắm đặc trưng, thơm lừng. Năm 2022, được địa phương hỗ trợ muối và cá để làm mắm để gia đình phát triển nghề.
“Cái đậm đà, ngon ngọt của mắm vùng quê Đức Lợi không chỉ xuất phát từ nguyên liệu, mà còn đến từ truyền thống không pha chế, không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng phụ gia, chất tạo màu tạo mùi.., nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Nghề này tuy không giàu, nhưng đây là niềm đam mê và nghề đã nuôi sống gia đình tôi”, ông Đức bày tỏ.
Gia đình ông Nguyễn Công Đức (bên trái) là một trong 10 hộ được hưởng lợi từ dự án chế biến nước mắm của xã Đức Lợi
Xã Đức Lợi hiện có 300 hộ gia đình làm nghề chế biến mắm, trong đó có 17 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh. Nghề sản xuất nước mắm ở Đức Lợi không chỉ giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, mà còn là “thương hiệu” truyền thống của người dân Đức Lợi. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực giữ nghề của người dân và chính quyền địa phương, năm 2009, UBND tỉnh quyết định thành lập Hội Làng nghề chế biến nước mắm Đức Lợi.
Nâng cao giá trị kinh tế cho rau màu
Trong khu vườn 1.500 mét vuông của chị Phạm Thị Dung ở thôn An Mô, có rất nhiều loại rau được gieo trồng xanh mơn mởn. Theo chị Dung, trước đây người dân đã trồng rau nhưng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến người sử dụng, khi địa phương triển khai trồng rau hữu cơ, cá nhân chị rất ủng hộ và một số người dân khác đã tham gia.
Chị Phạm Thị Dung đang chăm sóc rau
“Làm rau hữu cơ rất khó, nhưng nhờ được địa phương hỗ trợ phân và kiến thức rau chúng tôi làm ra được mọi người đón nhận. Vườn rau của gia đình tôi đã đón các tour tham quan của các học sinh và du khách. Tôi vui lắm!”, chị Dung cho hay.
Người dân ở thôn An Mô, xã Đức Lợi gắn bó với nghề trồng rau từ nhiều đời qua. Với diện tích hơn 12ha rau, An Mô được biết đến là nơi sản xuất rau sạch, không sử dụng hóa chất độc hại. Những thửa ruộng xanh mướt, đầy ắp những loại rau củ quả như: Mướp, bí, cà chua, cải xanh, rau muống… tạo nên một bức tranh nông thôn tươi đẹp và sinh động.
Tận dụng lợi thế này, người dân nơi đây xác định du lịch nông thôn là loại hình du lịch đầy tiềm năng. Năm 2023, có hơn 1.000 lượt khách đến trải nghiệm, tham quan cách làm rau sạch hữu cơ của người dân An Mô. Gia đình anh Huỳnh Tiến Dũng và các hộ dân nơi đây đều tuân thủ 5 “nguyên tắc vàng”: không dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc trừ sâu độc hại, không có chất biến đổi gen, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ. Nhờ vậy, các sản phẩm làm ra thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và giảm được chi phí sử dụng phân bón.
Gia đình anh Huỳnh Tiến Dũng và các hộ dân nơi đây đều tuân thủ 5 “nguyên tắc vàng” khi sản xuất rau
“Tuy việc sản xuất rau theo quy trình hữu cơ vất vả hơn, thời gian sinh trưởng của rau dài hơn và sản phẩm rau trông có vẻ không đẹp mắt nhưng có giá cao hơn. Với 1,2ha diện tích trồng rau của gia đình, phương pháp trồng rau theo chuẩn VietGAP đã giúp tôi thu lợi cao hơn 1,5 -2 lần so với cách trồng truyền thống. Trồng rau sạch nên ngày càng có nhiều khách du lịch đến tham quan, thu nhập chúng tôi càng được cải thiện, nên ai nấy đều đồng thuận và làm theo”, anh Dũng nói.
Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Minh Việt cho biết, từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo xã đã chọn những mô hình phù hợp với tình hình thực tế, phụ hợp với đời sống tại địa phương nhằm đem lại hiệu quả mà dự án mang lại góp phần phát triển kinh tế. Đến nay, số hộ nghèo còn 64/1.911 hộ, chiếm tỉ lệ 3,34%. Trong đó, có 36 hộ nghèo thuộc đối tượng BTXH; còn 28/1.911 hộ chiếm tỷ lệ 1,46%, trong đó hộ nghèo không có khả năng lao động 37 hộ. Thu nhập bình quân đầu người là 54 triệu đồng/ người/ năm.
“Đến nay, mô hình du lịch cộng đồng nông thôn tại các hộ gia đình vườn mẫu, đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, học tập. Trên cơ sở đó, Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập với mục tiêu hướng đến là phát triển du lịch cộng đồng nông thôn. Đồng thời, đào tạo, tập huấn, tổ chức tham quan học tập của cộng đồng dân cư tham gia vào làm du lịch cộng đồng; gắn kết các yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương để tạo chuỗi dịch vụ du lịch văn hóa tâm linh gắn với du lịch cộng đồng”, ông Việt chia sẻ.
Như Đồng
Báo Văn hóa – baovanhoa.vn