Đông Hưng (Thái Bình): Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn

Phát triển làng nghề trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả gắn với du lịch nông nghiệp tại huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) đang được xem là hướng đi mới, mang lại lợi ích kép cho cả ngành du lịch và ngành nông nghiệp. Mô hình này vừa góp phần phát triển kinh tế xanh, bền vững vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân, xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các địa phương.


Du khách không chỉ được chụp ảnh mà còn đuợc tự tay hái, thưởng thức hồng xiêm Lô Giang (Đông Hưng) ngay tại vườn.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh 

Đất đai của Đông Hưng màu mỡ được bồi đắp phù sa, tưới mát từ những dòng sông; khí hậu mát mẻ, nguồn lao động dồi dào, giàu kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, lại có nhiều tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 10, quốc lộ 39, đường cao tốc Thái Bình – Hà Nam chạy qua… Huyện đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh đó để phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, hình thành nhiều vùng cây trồng khá phong phú, mang nét đặc thù riêng, nổi tiếng, trong đó có đặc sản hồng xiêm xã Lô Giang, mít dai vàng xã Hà Giang, gạo làng Giắng, xã Đông Tân, vùng cây giống, hoa, cây cảnh xã Hồng Việt, phát lộc, đào cảnh ở xã Minh Tân, xã Phú Lương… 

Nói đến Lô Giang mọi người nhớ ngay đến đặc sản hồng xiêm, không chỉ bởi hình dạng dài thon như quả nhót mà còn ở vị ngọt, thơm, ngon đặc trưng. Theo người dân địa phương kể thì cây hồng xiêm được một người dân đi Lào mang về trồng, cây hợp thổ nhưỡng, khí hậu phát triển tốt, cho trái ngọt đã nhân ra diện rộng. Toàn xã hiện trồng 50ha hồng xiêm. Cây hồng xiêm đã trở thành cây trồng chủ lực, cây làm giàu của nhiều hộ gia đình ở đây. Ông Nguyễn Văn Đang, thôn Hoàng Nông chia sẻ: Nhà tôi trồng hồng xiêm gần 40 năm nay. Lúc đầu tôi chỉ trồng vài cây trong vườn nhà lấy quả ăn, sau thấy có thể làm giàu đã mạnh dạn chuyển đổi gần 1 mẫu cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hồng xiêm. Hồng xiêm dễ trồng, năng suất cao, cho thu hoạch từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 6 năm sau, giá bán cao và ổn định. Đặc biệt, những cây trồng khác sau khi thu hoạch vài vụ là thoái hóa còn cây hồng xiêm thì càng lâu năm càng xanh tốt. Mỗi vụ hồng xiêm gia đình tôi thu vài tấn quả, trừ chi phí thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, hiệu quả cao gấp nhiều lần cấy lúa. 

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, bà con nông dân xã Hồng Việt đã nắm bắt nhu cầu thị trường, tận dụng lợi thế của địa phương phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, cây giống để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như làm hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động…, mở rộng diện tích, trồng nhiều chủng loại để nâng cao chất lượng, tăng thu nhập. Ông Trần Huy Tưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, cây giống. Đến nay, toàn xã có khoảng 150ha trồng hoa, cây cảnh, cây giống, đạt giá trị sản xuất trên 110 tỷ đồng/năm, ngày càng có nhiều tỷ phú từ nghề làm đẹp cho đời này. Từ lâu hoa, cây cảnh, cây giống đã trở thành mặt hàng chủ lực của Hồng Việt, tạo việc làm, thu nhập cao cho người trồng. 

Bén duyên trên đất Hà Giang đã trên một thập kỷ, cây mít dai vàng “cụ” hiện vẫn còn xanh tốt, năm nào cũng ra hàng trăm quả. Các nhà khoa học đã bảo tồn nguồn gen quý của cây mít “cụ” các cây mít đầu dòng, nhân giống cung cấp cho bà con trong toàn tỉnh trồng. Ông Chu Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Người dân Hà Giang đã có kinh nghiệm, kỹ thuật cao trong chăm sóc cây đặc sản này, do đó cây ra nhiều quả, quả to, chất lượng cao. Hiện toàn xã trồng khoảng 50ha mít dai vàng, mỗi năm thu hoạch được trên 1.000 tấn quả. 


Trải nghiệm tham quan vườn mít ở xã Hà Giang. 

Để nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn

Ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đông Hưng hiện có gần 1.250ha cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây giống các loại. Với quyết tâm phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, bền vững, huyện đã lựa chọn một số sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm đặc thù địa phương; triển khai mô hình nâng cao giá trị sản xuất cây hoa, cây cảnh, cây lâu năm ở Hồng Việt, hồng xiêm nhót ở Lô Giang, mít dai vàng ở Hà Giang để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức tập huấn cho 3 xã thực hiện mô hình về phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị và phát triển du lịch nông thôn. Huyện cũng hỗ trợ các xã thành lập HTX đặc thù để nhân rộng diện tích, nâng chất lượng, tăng thu nhập cho người trồng. Các xã đang từng bước hình thành vùng sản xuất theo chuỗi giá trị, người dân chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, sản xuất theo quy trình VietGAP, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, tạo ra cây, quả đẹp về mẫu mã, nâng cao về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó, hồng xiêm Lô Giang đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đạt sản lượng khoảng 800 tấn/năm, đạt 550 triệu đồng/ha. HTX Bảo tồn và phát triển mít dai vàng Hà Giang đã đầu tư máy móc hiện đại chế biến thành sản phẩm mít dẻo, mỗi năm thu mua, tiêu thụ hàng chục tấn mít, trồng hàng vạn cây mít giống cung cấp ra thị trường. HTX cũng xây dựng xong website, đang xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, phấn đấu đạt sản phẩm OCOP. Thời gian qua, HTX đã đón một số đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm. 

Em Đoàn Vĩnh Kỳ, thành phố Thái Bình chia sẻ: Hè em và các bạn về quê ngoại Hà Giang được đi thăm vườn mít, chủ vườn hướng dẫn cách chọn quả mít chín, ngon, được trải nghiệm quy trình chế biến mít, thư giãn đạp vịt trên sông ngắm các vườn mít sai trĩu quả trên bờ. Rất thú vị, em mong Hà Giang phát triển được tour du lịch sinh thái với nhiều hơn các sản phẩm cho mọi người trải nghiệm. 


Du khách tham quan mô hình nhà vườn hoa, cây cảnh, cây giống gắn với du lịch nông thôn ở xã Hồng Việt (Đông Hưng). 

Rất nhiều nông dân xã Hồng Việt đã xây dựng nhà vườn của mình theo mô hình homestay gắn với phát triển du lịch nông thôn, bước đầu thu hút được khách đến tham quan. Trong đó có nhà vườn rộng trên 2ha của anh Trần Văn Hưng. Đến đây chúng tôi cùng đoàn khách tham quan bị thu hút bởi màu xanh của hàng nghìn cây các loại, trăm hoa đua sắc thắm chào đón. Không thể cưỡng nổi vẻ đẹp của nhà vườn, mọi người thi nhau livestream, chụp ảnh kỷ niệm. Anh Hưng cho biết: Từ năm 2017 tôi đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng nhà vườn với khoảng 1 triệu cây các loại. Tôi không chỉ bán cây trực tiếp mà còn bán trên website, zalo, facebook, vì thế lượng khách tăng đáng kể ở cả miền Bắc, miền Trung. Bình quân mỗi năm thu 2 – 2,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 6 – 10 triệu đồng/người/tháng. Tôi đã đi nhiều nơi học cách làm nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái. Khi tham gia lớp tập huấn về phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị và phát triển du lịch nông thôn, tôi tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, được tiếp thêm động lực, quyết tâm thực hiện mô hình này tại nhà vườn của mình. Tôi sẽ tiếp tục quy hoạch nhà vườn bài bản, theo từng khu riêng về hoa, cây cảnh, cây giống để tạo cảnh quan đẹp hấp dẫn khách đến tham quan. 

Theo ông Lã Quý Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Để nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn, thời gian tới, Đông Hưng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc khai thác triệt để lợi thế sẵn có của địa phương phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ toàn diện trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khai thác lợi thế các hình thức thương mại trong sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là thương mại điện tử. Huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống công trình kết cấu hạ tầng, văn minh phục vụ cho phát triển sản xuất và yêu cầu của khách du lịch; đa dạng hóa các mô hình và cơ sở dịch vụ hấp dẫn đối với du khách. Xây dựng các tour du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với các điểm đến là các thiết chế văn hóa nổi tiếng như chiếng chèo làng Khuốc, múa rối nước ở Nguyên Xá, Đông Các, múa giáo cờ giáo quạt ở Đông Tân, thi pháo đất và các lễ hội truyền thống. 

Thu Hiền
Báo Thái Bình – baothaibinh.com.vn