Bắc Kạn: Phát triển sản phẩm OCOP từ nông nghiệp sạch

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ nền nông nghiệp sạch. Qua đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao giá trị cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã…

HTX Tài Hoan (Na Rì) liên kết với 600 hộ dân, trồng được hơn 90ha dong riềng, bao tiêu sản phẩm tại các huyện Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm để làm nguyên liệu chế biến miến dong

Để tìm chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh Bắc Kạn đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, hướng đến một nền nông nghiệp sạch.

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn có nhiều mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm cao hơn, an toàn, thân thiện với con người, môi trường… Điển hình như HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) đến nay đã chủ động về nguồn nguyên liệu để sản xuất tinh bột nghệ. Với sự linh hoạt nhạy bén, HTX đã liên kết các thành viên và gần 300 hộ dân tại các huyện Pác Nặm, Na Rì để trồng 132ha cây nghệ nếp đỏ và nghệ nếp đen.

HTX Yến Dương (Ba Bể) kiểm tra vườn bí xanh thơm của hộ thành viên liên kết năm 2024

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành: “Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, HTX ký hợp đồng cung cấp giống, cung cấp kỹ thuật trồng, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay HTX có gần 20 loại sản phẩm về nghệ, trong đó có 02 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh và đạt sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Thời gian tới, HTX đề ra mục tiêu tích cực liên kết sản xuất, tiêu thụ nghệ cho bà con nông dân”.

Nhận thấy tiềm năng sẵn có của địa phương như bí xanh thơm, lúa nếp… HTX Yến Dương (Ba Bể) đã quyết tâm cùng người dân khôi phục sản phẩm của địa phương. Tại xã Yến Dương, cây bí thơm được người dân canh tác theo cách truyền thống. Từ khi HTX Yến Dương được thành lập, để nâng cao giá trị bí xanh thơm, HTX đã liên kết với các hộ dân trong vùng canh tác theo quy trình hữu cơ gắn với tiêu chuẩn GPs, TCVN và Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản cho trồng trọt hữu cơ, theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh bí xanh thơm, hiện nay HTX Yến Dương đã có các sản phẩm OCOP như: Bí thơm Ba Bể, gạo Nếp Tài đạt OCOP 4 sao, trà bí thơm, miến dong Yến Dương đạt OCOP 3 sao.

Tại thành phố Bắc Kạn, HTX Dương Quang đã và đang tích cực sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch như: Dưa lưới đạt tiêu chuẩn VietGAP, lạp sườn, thịt hun khói, thịt treo gác bếp đạt OCOP 3 sao. Không dừng lại ở đó, năm 2023 HTX đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 2,3ha hoa cúc chi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Trước đó, HTX đã thành công với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Dự kiến năm 2024 hợp tác xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa cúc chi khoảng 3ha và đăng ký thêm 02 sản phẩm OCOP là trà hoa cúc chi và dưa lưới.

Sản phẩm Trà Shan tuyết Ngọc Thắng (Chợ Đồn) được khách hàng ưa chuộng

Nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm chè, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ cải tạo diện tích chè cằn cỗi, đưa giống chè mới năng suất cao vào canh tác theo hướng nông nghiệp sạch hữu cơ và VietGAP. Các HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này như: HTX chè Shan tuyết Bản Cháo, HTX nông nghiệp Bản Mộc (Chợ Mới), Công ty TNHH phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng (Chợ Đồn)… Đến nay nhiều sản phẩm trà đạt OCOP 3 đến 4 sao, được khách hàng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng.

Những kết quả trong công tác phát triển nền nông nghiệp sạch đã góp phần giúp các doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 218 sản phẩm chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm OCOP 5 sao, 18 sản phẩm OCOP 4 sao, 199 sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn: Tỉnh ưu tiên đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa và tập quán sản xuất của người dân. Đưa ra định hướng phát triển sản phẩm OCOP. Nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng được cấp mã số vùng trồng theo hướng VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái… Qua đó tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững./.

Bích Ngọc

Báo Bắc Kạn – baobackan.vn