Rượu thóc Trúc Sơn của HTX Vịnh Xuân, xã Toàn Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, mang hương vị đặc trưng của huyện vùng cao Đà Bắc.
Những năm qua, đầu tư cho Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH của huyện Đà Bắc nhằm tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, XDNTM. Quá trình triển khai thực hiện chương trình, huyện luôn đồng hành cùng các HTX, hộ sản xuất để gìn giữ, phát triển thương hiệu sản phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Bách Nhật, Giám đốc HTX Vịnh Xuân, xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn chia sẻ: Rượu thóc là sản phẩm tiêu biểu được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Với phương châm sản xuất chất lượng, đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, HTX đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất, áp dụng nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015. Sản phẩm được đóng chai gắn tem truy xuất nguồn gốc, dán nhãn mác chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Rượu thóc Trúc Sơn trở thành sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương và xây dựng được sản phẩm đặc trưng, truyền thống của quê hương Toàn Sơn.
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế lớn từ vùng hồ sông Đà, trong những năm qua, Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc đã xây dựng kế hoạch phát triển, lập các đề án trình UBND huyện đầu tư, hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng đúng định hướng. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đảm bảo đúng quy trình, chất lượng. Việc này nhằm quản lý tốt đầu vào như thức ăn, con giống và để tạo ra sản phẩm đúng theo quy định cung cấp cho thị trường. Đến nay, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản tại huyện đã đầu tư lớn, xây dựng những trang trại nuôi cá có quy mô và bài bản. Trong năm 2023, trên địa bàn huyện Đà Bắc có thêm 3 sản phẩm từ cá, đó là cá lăng đen sông Đà, cá trắm đen sông Đà, cá ngạnh sông Đà (xã Tiền Phong) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bên cạnh đó, được ban tặng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mang vẻ đẹp hoang sơ, trên địa bàn còn lưu giữ văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường, những năm trở lại đây, du lịch cộng đồng Đá Bia tại xã Tiền Phong từng bước ghi dấu ấn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Với mong muốn xây dựng Đá Bia trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, các thành viên của HTX đã đầu tư tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị để thu hút du khách. Qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển nông thôn bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: “Đến nay, tổng số tiêu chí NTM toàn huyện đạt được 209 tiêu chí, trung bình đạt 13,06 tiêu chí/xã. Trong năm 2023, có 3 vườn mẫu được công nhận, hiện toàn huyện có 5 khu dân cư kiểu mẫu và 17 vườn mẫu. 9 sản phẩm OCOP được công nhận còn hoạt động gồm: du lịch cộng đồng Đá Bia (xã Tiền Phong); rượu ngô Cao Sơn, miến dong Cao Sơn (xã Cao Sơn); rượu thóc Vịnh Xuân (xã Toàn Sơn); thịt lợn bản địa Tân Minh, thịt gà đồi Tân Minh (xã Tân Minh) và sản phẩm cá lăng đen sông Đà, cá trắm đen sông Đà, cá ngạnh sông Đà (xã Tiền Phong). Dựa trên những sản phẩm thế mạnh của từng địa phương như: thịt dê, măng khô… trong năm 2024, huyện tiếp tục xây dựng thêm 2 sản phẩm OCOP”.
Có thể nói, triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã có tác động quan trọng vào kết quả XDNTM, làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Cùng với đó, chương trình đã khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy giá trị tiềm năng của các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương trong huyện.
Minh Duy
Báo Hòa Bình – baohoabinh.com.vn