Phú Thọ: Phát triển sản phẩm OCOP trong hợp tác xã

Những năm qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã chủ động, tích cực tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo động lực cho các HTX phát triển.

Sản phẩm rau sắn nếp muối chua của HTX Nông nghiệp sản xuất và chế biến nông sản Liên Gia Trang, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao

Toàn tỉnh có 581 HTX đang hoạt động với trên 105.000 thành viên, trong đó có hơn 400 HTX nông nghiệp. Sự phát triển đa dạng các hình thức hợp tác, tăng cường tư vấn hỗ trợ dịch vụ cho thành viên tham gia Chương trình OCOP là cơ hội tốt để HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đặc biệt, với những nơi sở hữu sản phẩm nông nghiệp đặc sản, bản địa, nhiều HTX đã lựa chọn cho sản phẩm của mình theo hướng đi riêng, đặc thù gắn với Chương trình OCOP để phát huy lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thống.

Hiện có 150 HTX đã có sản phẩm hàng hóa, trong đó có 127 sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên, chiếm 49,03% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh (gồm 30 sản phẩm hạng 4 sao, 97 sản phẩm hạng 3 sao). Phát triển các HTX gắn với sản phẩm OCOP giữ vai trò hết sức quan trọng, hỗ trợ quá trình chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị gia tăng, qua đó từng bước hình thành sản phẩm OCOP gắn với mục tiêu phát triển đa giá trị về kinh tế – xã hội, văn hóa, môi trường… Với tính linh hoạt, chủ động, nhạy bén nắm bắt thị trường, nhiều HTX có sản phẩm OCOP không chỉ cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn liên kết sản xuất, bao tiêu nguyên liệu cho người dân.

HTX Nông nghiệp sản xuất và chế biến nông sản Liên Gia Trang, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê được thành lập tháng 9/2019 với 10 thành viên, chuyên sản xuất các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: Cá thính, rau sắn nếp muối chua, măng mai muối chua…

Ông Trần Văn Công – Giám đốc HTX cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình OCOP nên HTX đã chuyển đổi phương thức sản xuất, chế biến sản phẩm theo quy chuẩn OCOP. Các thành viên ý thức hơn trong khâu sản xuất và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để có được thành phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Hiện sản phẩm rau sắn nếp muối chua của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị lớn như: Co.opmart, GO!, WinMart… và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Việc được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP giúp cho sản phẩm dễ dàng hơn trong tiếp cận người tiêu dùng và tìm được chỗ đứng tại hệ thống siêu thị. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên HTX cao hơn 15 – 20% so với trước đây”.

Có thể thấy, Chương trình OCOP được triển khai trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, gia tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận của các chủ thể. Khi tham gia Chương trình OCOP, các HTX được nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, được hỗ trợ tư vấn phát triển và hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm… Từ đó, các HTX trong tỉnh không ngừng đổi mới, cải tiến chất lượng, bao bì, chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, huy động các nguồn lực để mở rộng phát triển sản xuất, thúc đẩy tham gia Chương trình OCOP.

Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức cho các HTX sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng; đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi, đưa sản phẩm OCOP lên các kênh thương mại điện tử bao gồm cả sàn thương mại và mạng xã hội. Các sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm của các HTX được các cấp, các ngành hỗ trợ tham gia hội chợ tại các tỉnh, thành phố, điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai Chương trình OCOP đã tạo thêm động lực cho các HTX mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế, từng bước nâng cao chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường khác nhau gắn với sự hình thành, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp. Với bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm chi tiết, toàn diện cùng hướng dẫn của cơ quan chức năng, các HTX đã nhận ra được điểm yếu, điểm mạnh của từng sản phẩm, từ đó có những điều chỉnh, đổi mới, hoàn thiện quy trình sơ chế, sản xuất một cách khoa học hơn và có chiến lược phát triển sản phẩm lâu dài hơn. Từ Chương trình OCOP, nhiều HTX đã phát huy nội lực, đổi mới cả về chất và lượng, khẳng định vai trò, ý nghĩa của kinh tế tập thể.

Thanh Nga

Báo Phú Thọ – baophutho.vn