Làng vườn Bách Thuận (huyện Vũ Thư) có tuổi đời hơn 100 năm, nằm cạnh dòng sông Hồng mang nặng phù sa, đất đai phì nhiêu, màu mỡ. Đây là một làng quê cổ tiêu biểu ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, cũng là làng vườn duy nhất ở tỉnh Thái Bình còn lưu giữ nhiều nếp nhà truyền thống và có nghề trồng cây cảnh lâu đời. Hình ảnh đặc trưng của làng vườn Bách Thuận là một màu xanh ngút tầm mắt từ khu vực bãi sông đến từng nhà vườn; với 10 thôn quây quần bên cạnh triền đê ven bãi sông Hồng trù phú phù sa, nuôi dưỡng nguồn sống cho bao gia đình nơi đây.
Thiên nhiên đã ưu đãi cho mảnh đất này phát triển nghề vườn truyền thống với đủ các loại hoa, quả bốn mùa: táo, ổi, roi, mận, chanh, nhãn, vải, hồng xiêm, cam, quýt, chuối, mít… Bách Thuận còn là một làng quê cổ, tiêu biểu cho các làng quê ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây có chùa Từ Vân và Bách Tính đã được Nhà nước xếp hạng di tích cần được bảo vệ, là một điểm du lịch để du khách tới thắp hương, vãn cảnh.
Hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Bình và xã Bách Thuận đang tích cực phối hợp với tổ chức Car Free Day của Nhật Bản khảo sát các tuyến đường thực hiện dự án phát triển du lịch bằng xe đạp, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững. Năm 2022, Bách Thuận chính thức được công nhận là khu du lịch làng vườn của tỉnh Thái Bình. Cũng trong năm, địa phương đã tổ chức triển lãm sinh vật cảnh thu hút sự quan tâm của các nghệ nhân sinh vật cảnh từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái tại làng vườn thời gian tới.
Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư cho biết: Địa phương định hướng quy hoạch và lộ trình xây dựng làng vườn du lịch sinh thái cộng đồng một cách bài bản, khoa học với sự tham gia của nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Xây dựng Hà Nội. Mục tiêu đề ra là lập quy hoạch chi tiết xây dựng làng vườn sinh thái gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của huyện Vũ Thư và xã Bách Thuận; từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện, nguồn lực của địa phương. Bên cạnh đó, mời gọi các dự án đầu tư; xây dựng các điểm du lịch về hoa, cây cảnh, nhà vườn gắn với các hoạt động nghỉ ngơi cuối tuần; phát triển các tuyến du lịch kết nối của tỉnh đến làng vườn và các địa phương lân cận.
Tại huyện Hưng Hà, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, người dân địa phương và du khách gần xa rất thích thú khi trải nghiệm tại đầm sen rộng lớn, ngào ngạt hương thơm nằm trên địa bàn xã Chí Hòa. Mới hình thành được hơn ba năm nay, đầm sen này đang trở thành điểm đến khá hấp dẫn, nhất là đối với phái nữ và các bạn trẻ lứa tuổi học trò.
Chị Nguyễn Thị Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Sen Vân Đài (huyện Hưng Hà) cho biết: Hợp tác xã đã trồng được 16 loại sen trên vùng đất trũng trước kia canh tác lúa kém hiệu quả. Mùa du lịch cao điểm ở đây bắt đầu từ tháng 6, ngày nào cũng có hơn 1.000 lượt du khách đến trải nghiệm không gian đầm sen với nhiều loài sen quý. Sen ánh dương, sen phượng hồng, sen hoàng yến… khoe hương sắc của hoa, của lá. Sau trải nghiệm check-in trên đầm sen, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực đặc sản chế biến từ sen như: Chè sen, tinh bột củ sen, sữa hạt sen, ngó sen xào, xôi sen, nộm sen…
Hợp tác xã Hoa Sen Vân Đài đang nỗ lực quảng bá, giới thiệu mô hình du lịch nông nghiệp còn khá mới mẻ và chính quyền huyện Hưng Hà đã hỗ trợ để hình thành tour du lịch khép kín, kết nối các điểm đến: Hoa Sen Vân Đài-Bảo tàng nông cụ (xã Điệp Nông)-Mỏ nước khoáng (xã Duyên Hải)-Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn (xã Độc Lập)-Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Trần.
Thái Bình là vùng đất được tạo nên bởi sự ưu ái của thiên nhiên, với ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và nhất là phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, địa phương có rất nhiều sản phẩm đặc trưng như: Gạo chợ Gốc, gạo nếp chùa Keo, mít dai vàng, ổi bo, hồng xiêm Lô Giang, gà Tò, rươi, nước mắm Diêm Điền… Mỗi sản phẩm bên cạnh chất lượng thơm ngon, còn chứa đựng giá trị văn hóa có thể thu hút du khách tham quan, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực. Thái Bình còn được thiên nhiên ưu đãi ban cho khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ sinh thái đa dạng như khu rừng ngập mặn Thụy Trường, cồn Đen, cồn Vành… đều là hệ sinh thái tài nguyên du lịch có giá trị.
Về văn hóa, Thái Bình là kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc vùng Đồng bằng sông Hồng với làn điệu chèo, hát trống quân, múa rối nước, cùng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như Khu di tích quốc gia đặc biệt Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà); Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo (huyện Vũ Thư); di tích quốc gia đền Tiên La, đền Đồng Bằng… Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Làng chạm bạc Đồng Xâm (huyện Kiến Xương); làng thêu Minh Lãng (Vũ Thư); làng dệt chiếu Tân Lễ… Người dân Thái Bình chân thật, mộc mạc nhưng cần cù, khéo tay, chất phác và mến khách, do đó dễ tiếp cận được kiến thức phục vụ du lịch nông nghiệp.
Để biến tiềm năng thành những sản phẩm du lịch thực thụ, năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp đó, tháng 3/2023, tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Đây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn trên quê lúa Thái Bình phát triển có lộ trình, có định hướng theo mục tiêu bền vững và hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Bài và ảnh: Mai Tú
Báo Nhân dân – nhandan.vn