Trò chơi dân gian pháo đất của người dân Nghĩa An được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch
3 sản phẩm OCOP du lịch ở Ninh Giang đã được công nhận 4 sao gồm trò chơi dân gian pháo đất, đình Trịnh Xuyên (xã Nghĩa An) và đền Tranh (xã Đồng Tâm).
Nét riêng
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch từ trò chơi dân gian pháo đất và di tích tâm linh, xã Nghĩa An đã đăng ký, tích cực hoàn thiện hồ sơ để xây dựng trò chơi dân gian pháo đất và đình Trịnh Xuyên thành sản phẩm OCOP.
Đình Trịnh Xuyên được xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1992. Ngôi đình linh thiêng này được xây dựng vào thời hậu Lê, trải qua hàng trăm năm vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc đình cổ phong kiến. Đối với người dân Nghĩa An, đình Trịnh Xuyên là không chỉ là chốn tâm linh mà còn gắn kết truyền thống với hiện đại. Vì vậy, lễ hội đình được mọi người coi trọng thậm chí còn hơn cả Tết cổ truyền. Người dân làng Trịnh Xuyên vẫn gìn giữ tục lệ làm bánh giầy giò dịp hội đình.
Ở Hải Dương, không hiếm nơi vẫn gìn giữ được trò chơi dân gian pháo đất nhưng nâng tầm thành sản phẩm OCOP thì mới có xã Nghĩa An thực hiện thành công. Hiện ngoài đội pháo đất chuyên nghiệp với 40 pháo thủ thì người dân trong làng từ già đến trẻ ai cũng biết chơi pháo. Các công đoạn từ lấy đất, làm pháo, gieo pháo rất tỉ mỉ, cầu kỳ. Pháo đất chính là điểm nhấn của lễ hội đình Trịnh Xuyên với mong muốn cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Anh Phạm Quang Điệp, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Trịnh Xuyên cho biết xuất phát từ nguyện vọng, mong mỏi chính đáng của người dân về việc bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh nên cấp uỷ, chính quyền địa phương đã quyết tâm xây dựng, phát triển đình Trịnh Xuyên và trò chơi dân gian pháo đất thành sản phẩm OCOP.
Đình Trịnh Xuyên ở xã Nghĩa An là 1 trong 3 sản phẩm OCOP du lịch của huyện Ninh Giang
Đền Tranh ở xã Đồng Tâm từ lâu là điểm đến thu hút đông đảo du khách gần xa tới tham quan, chiêm bái. Không chỉ là nơi thờ tự tâm linh, đền Tranh còn mang dấu ấn cách mạng khi là điểm hoạt động bí mật của đồng chí Lê Thanh Nghị vào thời gian thành lập Chi bộ Đảng Nhà máy nước Ninh Giang (năm 1937-1938). Nơi đây cũng được lựa chọn để tổ chức mít tinh mừng thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Theo Ban Quản lý di tích đền Tranh, để di tích được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch, dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đơn vị đã rà soát, đánh giá các tiêu chí. Từ đó tập trung thực hiện các tiêu chí còn thiếu và hoàn thiện hồ sơ cho tiêu chí đã đạt. Với sản phẩm OCOP du lịch thì tiêu chí quan trọng nhất phải được công nhận là điểm du lịch. Vì vậy, ban quản lý đã khẩn trương đáp ứng các điều kiện để hoàn thiện tiêu chí này.
Khai thác thế nào?
Nếu như các nhóm sản phẩm OCOP về nông sản, thực phẩm, dược liệu, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh đã thông dụng, phổ biến thì việc xây dựng sản phẩm OCOP du lịch vẫn còn khá mới mẻ. Sản phẩm OCOP du lịch bên cạnh những giá trị kinh tế hữu hình thì còn mang ý nghĩa vô hình. Đó là gìn giữ giá trị truyền thống, gắn kết cộng đồng. Mặt khác, khi phát triển sản phẩm OCOP du lịch sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện quảng bá nhóm sản phẩm OCOP khác. Chính vì vậy, cần phải có hướng đi phù hợp cho sản phẩm OCOP du lịch để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh.
Theo thông lệ, lễ hội đình Trịnh Xuyên được tổ chức với quy mô lớn vào những năm lẻ, song năm 2024 này, Ban tổ chức lễ hội quyết định triển khai nhiều hoạt động nhằm quảng bá, gây dựng hình ảnh khi đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Thời gian tới, Ban tổ chức sẽ đào tạo hướng dẫn viên tại điểm tham quan, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng văn hoá tâm linh đặc thù nhằm phát triển bền vững điểm du lịch tâm linh này. Hoạt động lễ hội sẽ gắn liền với việc bảo tồn trò chơi pháo đất truyền thống. Bên cạnh đó, xã Nghĩa An sẽ tổ chức các hoạt động trải nghiệm để du khách biết tới và tìm hiểu nhiều hơn về trò chơi dân gian độc đáo, đặc sắc này.
Lễ hội đền Tranh thu hút nhiều du khách thập phương
Di tích đền Tranh đã tạo dựng được dấu ấn trong lòng du khách thập phương. Tuy nhiên, để khai thác giá trị kinh tế, văn hoá, lịch sử lâu bền vẫn cần phải có phương án, kế hoạch phát triển đồng bộ, lâu dài. Trong đó tập trung vào việc xây dựng diện mạo cảnh quan, chất lượng dịch vụ và đa dạng các hoạt động trải nghiệm…
Theo ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, qua rà soát, nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm cộng đồng, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các sản phẩm OCOP về du lịch. Dù đã có sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao, song đây mới chỉ là bước đầu tiên trên chặng đường khai thác bền vững các giá trị về du lịch cộng đồng. Thời gian tới, huyện Ninh Giang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để phát huy lợi thế của sản phẩm OCOP du lịch.
Cường Đạt
Báo Hải Dương – baohaiduong.vn