Công tác thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát triển làng nghề đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực.
Du khách nước ngoài tham quan, chọn mua sản phẩm tại Làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự (Ảnh: Văn Bửu)
Hiện trạng hoạt động nghề, làng nghề
Toàn tỉnh hiện có 41 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận theo quy định (tăng 1 nghề truyền thống, 1 làng nghề so với năm 2022); trong đó, có 1 nghề truyền thống, 22 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống với các sản phẩm khá đa dạng tập trung vào 5 nhóm: chế biến và bảo quản nông, lâm thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; có trên 4.600 cơ sở sản xuất kinh doanh trong các nghề, làng nghề, với gần 15.000 lao động (trong đó lao động thường xuyên chiếm trên 82%).
Tổng doanh thu của làng nghề trên 91.700 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 3,43 triệu đồng/lao động/tháng. Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có thu nhập cao nhất khoảng 8 triệu đồng/lao động/tháng, nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thu nhập thấp nhất khoảng 1,9 triệu đồng/người/tháng. Số nghệ nhân trong làng nghề được công nhận là 33 người hoạt động trong lĩnh vực hoa kiểng. Hiện nay, các địa phương đang tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất đăng ký bảo hộ, chứng nhận nhãn hiệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại để gắn kết trong chuỗi sản phẩm OCOP.
Bảo tồn và phát huy giá trị nghề, làng nghề
Kế hoạch của UBND tỉnh về Bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh năm 2024 đã xác định: Tiếp tục bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; trong đó, có 7 làng nghề (3 làng nghề đan lờ, lọp; làng nghề đan cần xé; làng nghề đan bội huyện Lai Vung; làng nghề đan lưới, đan thúng rổ huyện Lấp Vò; 9 làng nghề truyền thống (1 làng nghề đóng xuồng ghe huyện Lai Vung; 4 làng nghề đan mê bồ TP Cao Lãnh; 4 làng nghề sản xuất bột TP Sa Đéc).
Công nhận ít nhất 1 làng nghề (Làng nghề Khô trâu huyện Tân Hồng); phát triển 2 làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch (Làng nghề đóng xuồng ghe và Làng nghề hoa giấy huyện Lai Vung). Duy trì, nâng chất các sản phẩm OCOP của các làng nghề đã được công nhận; phấn đấu mỗi huyện, thành phố có nghề truyền thống/làng nghề/làng nghề truyền thống đều có ít nhất 1 sản phẩm làng nghề (hoặc sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ làng nghề) tham gia dự thi sản phẩm OCOP.
Duy trì 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản theo Kế hoạch số 350/KH-UBND ngày 19/10/2022 của UBND tỉnh. 100% các làng nghề được UBND tỉnh công nhận xây dựng phương án bảo vệ môi trường, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 100% các địa phương có làng nghề được công nhận xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Khai thác tốt tiềm năng để phát triển
Để triển khai thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề.
Thứ nhất, tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức; giới thiệu các làng nghề, làng nghề truyền thống thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị văn hóa, việc bảo tồn, gìn giữ các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương về kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX); tiếp tục vận động thành lập mới HTX từ các làng nghề và từ mô hình hội quán. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; tham quan, học tập kinh nghiệm ở tỉnh khác để xây dựng, phát triển làng nghề mới ở địa phương.
Thứ hai, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, trong đó quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các nghệ nhân, thợ giỏi đạt chuẩn để tham gia giảng dạy, truyền nghề nhằm duy trì, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống. Chú trọng công tác tuyển sinh đào tạo nghề; cung ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống. Vận động, khuyến khích làng nghề, cơ sở nghề truyền thống đăng ký mở lớp đào tạo nghề cho lao động của địa phương và vùng lân cận nhằm củng cố, duy trì hoạt động làng nghề, nhất là các nghề có nguy cơ mai một.
Thứ ba, thành lập, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh tại các làng nghề. Khuyến khích sinh viên, thanh niên khởi nghiệp phát huy các ý tưởng bảo tồn và phát triển làng nghề; thúc đẩy phát triển sản phẩm làng nghề gắn với chương trình khởi nghiệp và cuộc thi khởi nghiệp; hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng cho các sản phẩm của làng nghề; thí điểm mở rộng dịch vụ kinh doanh sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch làng nghề nông thôn tại các HTX nông nghiệp, hội quán; vận động, khuyến khích thành lập HTX/tổ hợp tác/cơ sở sản xuất kinh doanh cho các làng nghề, làng nghề truyền thống chưa có tổ chức pháp nhân đại diện nhằm tăng khả năng tiếp cận chính sách, kết nối tiêu thụ.
Thứ tư, phát triển sản phẩm tiêu biểu gắn với sản phẩm OCOP, du lịch trong xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề rà soát, củng cố và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP để lập hồ sơ, tham gia dự thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP hàng năm; hỗ trợ nâng chất sản phẩm OCOP đã được công nhận; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho các làng nghề, làng nghề truyền thống; rà soát, hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn làng nghề. Lồng ghép trưng bày sản phẩm, triển lãm hình ảnh, trình diễn thực hành nghề, không gian làng nghề truyền thống phục vụ du khách tham quan trải nghiệm nhân dịp lễ, lễ hội lớn của tỉnh.
Thứ năm, khuyến khích các cơ sở sản xuất làng nghề tham gia hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ để quảng bá, xúc tiến thương mại và tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi; tham gia trưng bày, đưa sản phẩm làng nghề vào các sự kiện lễ, lễ hội lớn của địa phương; khuyến khích sử dụng sản phẩm làng nghề làm quà tặng lưu niệm. Tổ chức tập huấn kiến thức về thương mại điện tử, kinh doanh sản phẩm làng nghề trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối tham gia kinh doanh qua sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Thứ sáu, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số mã vạch cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn và khai thác các quyền sở hữu công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ…
Thứ bảy, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp và các chủ cơ sở, doanh nghiệp ở các làng nghề. Theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất trong làng nghề; kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, không để phát sinh ô nhiễm. Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý chất thải làng nghề phù hợp, ưu tiên công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải để đầu tư áp dụng vào xử lý môi trường cho làng nghề.
Thứ tám, tăng cường quản lý nhà nước đối với làng nghề. Rà soát, hỗ trợ, chuẩn hóa các sản phẩm làng nghề đủ điều kiện lập hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Tiếp tục hỗ trợ các ngành nghề nông thôn phấn đấu đạt các tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Xây dựng tiêu chí xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh về lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Hướng dẫn thực hiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền tôn vinh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Lồng ghép, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống giai đoạn 2021 – 2025 gắn với bảo tồn, phát triển làng nghề. Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tại địa phương; rà soát hiện trạng và hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của làng nghề lập hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định.
Căn cứ tình hình thực tế, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, lồng ghép vào kế hoạch của ngành, đơn vị, địa phương để phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh.
Để bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh năm 2024, UBND tỉnh đã xác định việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề. Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia Chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. |
Phú Nghĩa
Báo Đồng Tháp Online – baodongthap.vn