Thái Nguyên: Lễ hội tôn vinh vùng “Đệ nhất danh trà”

Trong không khí hân hoan phấn khởi của những ngày đầu Xuân năm mới, sáng 20-2 (tức ngày 11 tháng Giêng), tại Không gian văn hóa trà Tân Cương, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Tân Cương và các xã trong vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội “Hương sắc trà Xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương xuân Giáp Thìn năm 2024”.

Các đại biểu và người dân, du khách tham dự Lễ khai mạc

Màn trống hội tại Lễ khai mạc

Điểm nhấn đặc sắc trong phần khai mạc Lễ hội là nghi lễ rước cây chè cổ của 6 xã thuộc vùng chè đặc sản Tân Cương. Đây là nghi lễ truyền thống có ý nghĩa quan trọng, bởi cây chè là biểu trưng cho vùng đất Tân Cương thanh bình; là hồn cốt, cội nguồn của các làng nghề chè nơi đây. Những cây chè được rước tại Lễ hội đều có tuổi đời từ 30-70 năm, thân khỏe, dáng đẹp, tán đều, búp xanh, đã được tuyển chọn kỹ càng từ các làng nghề truyền thống trong vùng.

Vùng chè đặc sản Tân Cương gồm các xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Phúc Xuân, Quyết Thắng, Phúc Hà, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cấp giấy chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương. Nghề trồng và chế biến chè tại đây đã có từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX. Những điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng, cùng với kỹ năng trồng và chế biến chè của người dân đã tạo nên chất lượng đặc biệt của chè Tân Cương; được coi là vùng đất “Đệ nhất danh trà” của tỉnh Thái Nguyên, với 8 làng nghề chè truyền thống cấp tỉnh. Sản phẩm chè Tân Cương được Hội kỷ lục gia Việt Nam công nhận lọt vào TOP 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020-2021).

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia Lễ hội

Theo ông Phạm Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương: Lễ hội “Hương sắc trà Xuân – Vùng chè đặc sản Tân Cương” được tổ chức lần đầu vào năm 2004 và diễn ra thường niên vào dịp đầu Xuân. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh, lưu giữ, phát triển giá trị của cây chè, người làm chè; là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của người trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh chè ở Tân Cương nói riêng và cả nước nói chung. Năm nay, Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày: Từ 18 đến 20-2 (tức từ mùng 9 đến 11 tháng Giêng), với quy mô liên xã và nhiều hoạt động mới, sôi nổi, hấp dẫn.

Ngay sau phần Lễ được tổ chức trang nghiêm và tiếng trống khai hội rộn ràng, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và TP. Thái Nguyên đã tham gia hái chè khai xuân cùng bà con nhân dân vùng chè. Tiếp đó, các đội thi đến từ 6 xã trong vùng chè Tân Cương tham gia các cuộc thi, như: Hái chè nhanh, sao chè theo phương pháp thủ công truyền thống và đóng gói chè nhanh.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm chè tại Lễ hội

Nói về công tác chuẩn bị để có mẻ chè ngon, ông Nguyễn Văn Đỉnh, thành viên Đội xã Phúc Trìu, cho biết: Nguyên liệu được chúng tôi chọn khá kỹ, ở nương được chăm sóc tốt. Trước khi sao, búp chè phải được quạt cho héo. Trong quá trình sao luôn phải điều chỉnh củi lửa cho phù hợp, kỹ thuật vò cũng cần sự khéo léo của đôi tay. Thời gian sao một mẻ mất khoảng 1 giờ đồng hồ.

Chính sự tỉ mẩn, kỹ càng trong từng khâu chế biến chè như vậy đã giúp người dân vùng chè Tân Cương chắt lọc được tinh hoa của đất trời, tạo nên những sản phẩm trà thơm ngon đặc trưng làm đắm say du khách gần xa. Ông Lê Việt Đích, du khách đến từ huyện Võ Nhai, cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia Lễ hội vùng chè Tân Cương. Tôi thấy Lễ hội được tổ chức rất quy mô, là dịp để quảng bá về cây trồng mũi nhọn, nức tiếng của địa phương. Thưởng thức trà tại Tân Cương, tôi thấy vị đượm đặc trưng, đậm đà, mùi thơm dễ chịu mà không đâu có được.

Bên cạnh các phần thi hái chè, sao chè và đóng gói chè, Lễ hội “Hương sắc trà Xuân – Vùng chè đặc sản Tân Cương” năm nay còn sôi động, hấp dẫn bởi các phần thi văn nghệ, trò chơi dân gian cổ truyền như: Tung còn, kéo co, đẩy gậy, chọi gà, cờ tướng….

Có thể khẳng định, với rất nhiều hoạt động sôi nổi và hấp dẫn, Lễ hội “Hương sắc trà Xuân – Vùng chè đặc sản Tân Cương” đã trở thành điểm nhấn văn hóa, nơi các giá trị truyền thống và hiện đại đã kết tinh, hòa quyện thành một tổng thể hài hòa, ấn tượng, để lại nhiều xúc cảm đặc biệt trong lòng mỗi người dân xứ Trà và du khách thập phương. Điều đặc biệt là sau Lễ hội người trồng chè vùng Tân Cương sẽ tiếp tục có thêm động lực để đầu tư, chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khẳng định vị thế trên thị trường.

TP. Thái Nguyên có gần 1.500ha chè, tập trung tại 6 xã vùng chè Tân Cương. Trong đó có khoảng 50-60% diện tích được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Hiện nay, sản lượng chè búp tươi đạt trên 23.700 tấn, tăng 3.400 tấn so với năm 2020.

Chung An – Mạnh Hùng

Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn