Công nhận “Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng” và “Nghệ thuật múa của người Lào” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(TITC) - Sáng ngày 2/11, UBND huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng” và nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật múa của người Lào” tỉnh Điện Biên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng trao Giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng” cho đại diện các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên và Điện Biên Đông. Ảnh: baodienbienphu.com.vn

Tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng” và Nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật múa của người Lào” là 2 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia theo Quyết định số định số 1403/QĐ-BVHTTDL và Quyết định số 1405/QĐ-BVHTTDL ngày 01/6/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng nhấn mạnh, tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng” và Nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật múa của người Lào” tỉnh Điện Biên được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hoá phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh lên 18 di sản. Đây là kết quả đáng trân trọng và tự hào đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, tạo động lực tiếp tục bảo vệ, lan tỏa và phát huy mạnh mẽ giá trị di sản văn hoá phi vật thể.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng trao Giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật múa của người Lào” cho đại diện huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Ảnh: baodienbienphu.com.vn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các địa phương nơi có di sản cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; tạo điều kiện, khuyến khích, động viên nghệ nhân, người thực hành và cộng đồng dân cư tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản trên địa bàn. Tiếp tục lựa chọn các cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ, giữ gìn, trao truyền, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể để xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”. Các địa phương tập trung gắn bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, từng bước tạo ra các sản phẩm OCOP của địa phương gắn liền với bảo tồn văn hóa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tiếp tục hướng dẫn các địa phương trong công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Thông tin du lịch